Số điện thoại hỗ trợ

1900 2605

Chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian hay còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Quảng Nghiêm hay chùa Tiên Lữ, được xếp vào một trong “tứ đại danh thắng của xứ Đoài”. Đây là một ngôi chùa cổ kính có từ thời nhà Lý, chùa tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 50m, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Giới thiệu chung về chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian được khởi công xây dựng vào khoảng năm 1185, dưới thời vua Lý Cao Tông, gắn liền với truyền thuyết về đức Thánh Bối. Do tác động của thời gian, ngôi chùa đã được trải qua nhiều lần trùng tu và mang dáng vẻ như ngày nay. Chùa có tất cả 104 gian, được chia thành 3 cụm kiến trúc chính, có lẽ vì thế mà chùa mang cho mình cái tên Trăm Gian.

Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội)

Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội)

Ngôi chùa Trăm Gian gắn liền với truyền thuyết về đức Thánh Bối. Tương truyền rằng, vào thời nhà Trần, ở làng Bối Khê có người phụ nữ mộng thai thấy Đức Phật rồi sinh ra một cậu con trai. Bố mẹ mất khi tuổi còn nhỏ, cậu con trai vào tu tại chùa Đại Bi trong làng. Trong quá trình học đạo tại chùa trên núi, cậu đã tinh tường nhiều phép linh thông. Sau khi được vua Trần sắc phong làm Hòa Thượng tại kinh đô, ngài xin vua về làng dựng lên ngôi chùa mới. Năm 95 tuổi, ngài ngồi vào một cái khảm gỗ siêu thoát. Sau 100 ngày, đệ tử mở khảm gỗ ra thì thấy mùi thơm ngào ngạt cả một vùng. Thấy vậy, dân làng và đệ tử đã cho xây tháp để thờ phụng đức Thánh Bối.

Hiện nay, chùa Trăm Gian được coi là một trong bốn chùa nổi tiếng và linh thiêng nhất xứ Đoài, bên cạnh chùa Thầy, chùa Trầm và chùa Tây Phương. Với lịch sự và kiến trúc giá trị, chùa Trăm Gian đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.

Thăm quan chùa Trăm Gian

Để chiêm bái và thưởng thức hết vẻ đẹp chùa Trăm Gian, du khách nên đi tham quan chùa theo các cụm kiến trúc sau:

Cụm thứ nhất

Quang cảnh đầu tiên du khách được chiêm ngưỡng là cầu thang đá rộng đẹp, lan can lài hai tượng rồng đá cổ oai nghiêm với hai bên là hàng cây xanh mát và thơ mộng. Vào đến cổng chùa, ta sẽ bắt gặp bốn cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi đánh cờ khi diễn ra lễ hội. Bên cạnh đó là nhà giá Giá Ngự nhìn ra hồ sen, nơi đặt kiệu đức Thánh và xem múa rối nước. Chùa trên núi với phía trước là hồ sen thơm ngát tạo ra lối kiến trúc chùa “tiền thủy hậu sơn”.

Quang cảnh đường lên chùa Trăm Gian

Quang cảnh đường lên chùa Trăm Gian

Cụm thứ hai

Cụm thứ 2 cách cụm thứ nhất khoảng 100 bậc, là tòa gác chuông, gác cao 2 tầng. Gác chuông của chùa Trăm Gian là một trong những gác chuông cổ nhất nước ta còn sót lại cho đến ngày nay, được dựng vào năm 1965, mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc độc đáo của kiến trúc thời Lý - Trần. Tháp có 2 tầng với mái đao cong vút được trạm trổ hình mây, lưỡng long chầu nguyệt, phượng chầu lư hương vô cùng tinh xảo. Trông xa, tháp chuông giống như một tòa sen đang vươn mình tỏa ngát hương. Các cột kèo cũng được trang trí hình hoa sen, hình rồng đặc trưng kiến trúc của thời kỳ.

Tháp chuông chùa Trăm Gian

Tháp chuông chùa Trăm Gian

Tầng 2 đặt chiếc chuông có niên đại khoảng 200 năm, được đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 là mẫu chuông đồng điển hình của thời Tây Sơn. Đứng trên tháp chuông, du khách có thể phóng tầm mắt ra xe để quan sát toàn bộ khung cảnh yên bình xung quanh ngôi chùa.

Cụm thứ ba

Vượt thêm 27 bậc đá, ta đến cụm thứ ba cũng là phần thờ phụng chính của chùa. Tại khoảng sân gạch rộng rãi của chùa còn lưu giữ một sập đá lớn từng là nơi đặt lư hương. Để vào trong gian chính cần leo thêm 7 bậc đá này rất nhỏ hẹp, chỉ để vừa 1 chân nằm ngang. 7 bậc đá xây như vậy nhằm tránh cho du khách khi đi về quay lưng vào gian chính của chùa.

Chùa Trăm Gian

Trung tâm chùa Trăm Gian

Trung tâm chùa gồm 3 gian chính là Tiền Đường, Thiên Hương và Thượng Điện nối với nhau thành chữ “công”. Hành lang dài hai bên bao lấy Tiền Đường và Hậu Đường thành hình chữ “quốc”. Các ban bao gồm ban thờ Phật, thờ Đức Thánh Bội, thờ Quan Âm và gia đình đô đốc Đặng Tiến Đông - tường thời vua Quang Trung, người đã có công tu sửa ngôi chùa.

Gian giữa của thượng điện có đặt một bệ bằng đất nung đỏ lớn được trạm khắc cầu kì hình đài sen, hoa cỏ, muông thú. Trên bệ là tượng Phật tam thế. Hệ thống tượng tại chùa lên tới hơn 150 tượng, trong đó đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn - tượng minh họa thời kì khổ hạnh của Đức Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật. Các bức tượng, tranh khắc tại chùa Trăm Gian đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của các triều đại. Bên cạnh đó, 4 bức tranh cổ “Thập Điện Diêm Vương” hàng nghìn năm tuổi từng bị lưu lạc 17 năm nay đã được tìm thấy và lưu giữ tại chùa.

Tranh khắc 18 vị La Hán tại chùa Trăm Gian

Tranh khắc 18 vị La Hán tại chùa Trăm Gian

Cách di chuyển tới chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km. Từ trung tâm thành phố, bạn di chuyển đến quận Hà Đông, đi theo quốc lộ 6 đến thị trấn Chúc Sơn. Từ thị trấn Chúc Sơn đi men theo núi Sở khoảng 3km sẽ đến chùa Trăm Gian.

Ngoài đi phương tiện xe máy, ô tô cá nhân bạn cũng có thể lựa chọn xe buýt để di chuyển tới chùa Trăm Gian. Có 2 tuyến xe buýt tại nội thành Hà Nội là tuyến 57 (Nam Thăng Long - khu công nghiệp Phú Nghĩa) và tuyến 72 (bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai) có bến xuống cách chùa Trăm Gian 200m đi bộ.

>> Để chuyến đi được thuận lợi, hãy tham khảo thêm kinh nghiệm di chuyển khi du lịch tại Hà Nội nhé

Lộ trình di chuyển tới chùa Trăm Gian

Lộ trình di chuyển tới chùa Trăm Gian

Kinh nghiệm cần biết khi tới chùa Trăm Gian

Giống như khi viếng thăm bất kỳ ngôi chùa nào, khi tới chùa Trăm Gian bạn cần lưu ý một số điều sau:

- Du khách là dân chúng khi qua cổng chùa (cổng Tam Quan), lúc đến thì đi bên phải, lúc về thì đi bên trái, không được đi cửa chính giữa.

- Ăn mặc kín đáo, lịch sự. Không nên mặc váy, quần ngắn và tuyệt đối không mặc các trang phục hở hang.

- Nên chọn những loại giày êm ái như giày vải, giày thể thao để thuận tiện cho việc leo các bậc thang lên chùa.

- Ăn nói, đi lại nhẹ nhàng, khấn Phật trong tâm chứ không cần khấn to thành tiếng.

- Đến chùa khấn Phật nên hướng thiện, cầu xin bình an, sức khỏe, quốc thái dân an.

- Không chạm tay, sờ vào các tượng, tranh tại chùa. Không tự ý gõ chuông chùa.

- Sắm lễ thanh tịnh bao gồm các đồ như hương, hoa quả, chè, nến, đồ ăn chay. Không được dâng đồ mặn. Xếp và đặt lễ theo đúng hướng dẫn của nhà chùa.

- Chỉ nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế việc thắp hương bên trong điện gây ám khói, ảnh hưởng đến sức khỏe người trong chùa và hiện trạng của tượng Phật.

Chùa Trăm Gian là điểm đến bình yên mà độc đáo mà du khách nên thử ghé thăm trong chuyến du lịch Hà Nội. Đến chùa Trăm Gian, du khách được tìm về chốn tâm linh thanh tịnh, tạm rời xa sự xô bồ, tất bật của cuộc sống.

Hãy cùng BestPrice khám phá thêm thủ đô văn hiến, nơi giao thoa giữa lịch sử truyền thống và sự phát triển hiện đại. BestPrice cung cấp các dịch vụ du lịch vô cùng chất lượng như:

- Vé máy bay đi Hà Nội với giá rẻ nhất.

- Khách sạn Hà Nội tiện nghi và gần nhiều địa điểm tham quan.

- Tour Hà Nội trọn gói.

>> Để chuyến đi được hoàn hảo nhất, hãy bỏ túi thật nhiều kinh nghiệm với cẩm nang du lịch Hà Nội của BestPrice nhé.

BestPrice

Nguồn ảnh: Internet