Số điện thoại hỗ trợ

phone 1900 2605

Top 15 lễ hội Nhật Bản 12 tháng nhất định phải tham gia

6818 Views

Nhắc đến du lịch Nhật Bản, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, ẩm thực và con người, đất nước này còn được biết đến là cái nôi của nền văn hóa và các lễ hội truyền thống lâu đời. Để có một trải nghiệm đáng nhớ cũng như hiểu hơn về các lễ hội Nhật Bản, hãy dành ra ít phút để tham khảo ngay 15 lễ hội đặc trưng nhất định phải tham gia khi đến với xứ sở hoa anh đào dưới đây.

Mục lục bài viết
  • 1. Lễ hội mừng năm mới Oshougatsu
  • 2. Lễ hội đèn lồng Nagasaki - Lễ hội Nhật Bản hấp dẫn
  • 3. Lễ hội tuyết Sapporo
  • 4. Lễ hội hoa anh đào Hanami - Lễ hội Nhật Bản mùa xuân
  • 5. Lễ hội cá chép Koinobori Matsuri
  • 6. Lễ hội anh đào Yamagata
  • 7. Lễ hội pháo hoa sông Sumida - Lễ hội mùa hè Nhật Bản
  • 8. Lễ hội văn hóa Nhật Bản Gion
  • 9. Lễ Obon – Lễ hội truyền thống Nhật Bản
  • 10. Lễ hội nón hoa Hanagasa Matsuri
  • 11. Lễ hội âm nhạc Kangensai
  • 12. Lễ hội Owara Kaze no Bon
  • 13. Lễ hội Kawagoe - Lễ hội Nhật Bản mùa thu
  • 14. Lễ hội mùa thu Fujiwara
  • 15. Lễ hội Kasuga Wakamiya Onmatsuri

Lễ hội mừng năm mới Oshougatsu

  • Thời gian diễn ra: Từ ngày mùng 01/01 đến ngày 03/01 hàng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Toàn quốc.

Giống như Việt Nam, Trung Quốc hay một số quốc gia Châu Á khác, Nhật Bản trước kia cũng đón tết theo lịch âm, tuy nhiên từ sau khi Minh Trị Duy Tân năm 1873, Nhật Bản đã chính thức đón tết theo lịch Gregorian, lấy ngày đầu tiên của tháng Giêng Dương lịch là năm mới.

Người Nhật thường đi chùa trong lễ hội mừng năm mới Oshougatsu

Người Nhật thường đi chùa trong lễ hội mừng năm mới Oshougatsu

Ngày này, người Nhật thường làm Shimenawa, loại dây được tết từ sợi rơm của lúa gạo hoặc lúa mì, cành thông, một số họa tiết đính kèm và treo trước cửa nhà hoặc nơi thờ cúng để xua đuổi tà ma và đón vị thần may mắn. Tuy Tết Nguyên đán âm lịch không còn là một trong những lễ hội Nhật Bản nữa, nhưng vào dịp này, người dân vẫn duy trì một số hoạt động truyền thống như: thờ cúng tổ tiên và các vị thần, đi lễ chùa đầu năm (Hatsumoude), ngắm mặt trời đầu tiên mọc (Hatsuhinode), lì xì, chơi các trò chơi dân gian…

Lễ hội Oshougatsu (Chính Nguyệt) trong Tết cổ truyền vẫn luôn được người Nhật gìn giữ để chào đón vị thần năm mới Toshigamisama tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt. Trong ngày này, họ thường ăn một số món truyền thống như: bánh dầy Ozoni, Osechi Ryori, bánh Mochi Kagamimochi…

Bánh dày Ozoni truyền thống trong lễ Oshougatsu

Bánh dày Ozoni truyền thống trong lễ Oshougatsu (Nguồn ảnh: @japanesecooking101)

Lễ hội mừng năm mới Oshougatsu thường được chuẩn bị ở mỗi gia đình cũng như tổ chức tại hầu hết các đền, chùa ở Nhật Bản. Du khách tham gia Oshougatsu dịp đầu năm có thể mặc Kimono, trang phục lịch sự, kín đáo và ghé thăm các ngôi đền, chùa để cầu may mắn cũng như xin bùa bình an và rút quẻ cho một năm mới hanh thông, thuận lợi.

Chính vì nghỉ theo Tết lịch dương, nên từ ngày mùng 1 đến mùng 3, hầu như các cơ sở kinh doanh tại đây sẽ đều đóng cửa. Tham gia lễ hội Nhật Bản trong thời gian này, du khách có thể chuẩn bị trước một số đồ ăn mang theo để tránh trường hợp không tìm được quán ăn mở cửa.

Lễ hội đèn lồng Nagasaki - Lễ hội Nhật Bản hấp dẫn

  • Thời gian diễn ra: Từ 18/02 đến 04/03 .
  • Địa điểm tổ chức: Minato Koen, Chuo Koen, Hamaichi Kanko, khu phố Tàu Nagasaki Shinchi và các điểm khác ở Nagasaki.

Xuất phát từ phố người Hoa, lễ hội này đã dần mở rộng và trở thành một trong những sự kiện quan trọng không thể bỏ lỡ tại Nagasaki.

Lễ hội đèn lồng Nagasaki rực rỡ

Lễ hội đèn lồng Nagasaki rực rỡ (Nguồn ảnh: @hakuchuu1882)

Lễ hội được tổ chức quanh các khu phố mua sắm, công viên trung tâm và cây cầu hình cung cổ nhất Nhật Bản Megane. Thời điểm này, Nagasaki trở lên rực rỡ và sống động hơn bao giờ hết khi đường phố được trang trí bởi hơn 15.000 chiếc lồng đèn với đủ kiểu dáng. Lễ hội đèn lồng Nagasaki mang đến cho thành phố không chỉ ánh sáng rực rỡ mà còn những màn diễu hành, trình diễn âm nhạc ấn tượng như múa lân sư rồng, nhào lộn, múa đổi mặt nạ…

Nếu đi từ sân bay Nagasaki, du khách có thể mua vé xe buýt và đi thẳng tới bến Shinchi ở ngay trung tâm thành phố. Nếu lựa chọn tàu tốc hành, có thể đi đến ga Nagasaki, sau đó đi buýt hoặc taxi vào địa điểm tổ chức với quãng đường hơn 1km.

Thời điểm diễn ra lễ hội Nhật Bản vẫn đang trong tiết trời mùa đông, du khách nên lưu ý mặc ấm để có thể tham gia các hoạt động thưởng ngoạn ngoài trời.

Lễ hội tuyết Sapporo

  • Thời gian diễn ra: Tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 2 hàng năm và kéo dài trong 7 ngày.
  • Địa điểm tổ chức: Công viên Odori, Khu Tsudome, Khu Susukino tại Sapporo, Hokkaido.

Sapporo, thủ phủ của vùng Hokkaido nằm ở phía Bắc Nhật Bản, mùa đông tại đây mang đến cái lạnh “đích thực” với băng tuyết phủ khắp mọi nơi. Vì lẽ đó, vùng đất này rất nổi tiếng với các hoạt động như trượt tuyết, lướt ván tuyết hay điêu khắc từ băng.

Đây là sự kiện nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc và là một trong ba lễ hội mùa đông lớn nhất thế giới. Lễ hội bắt đầu từ năm 1950, khi học sinh địa phương xây tượng người tuyết tại công viên Odori. Lâu dần, các tác phẩm điêu khắc với kích thước khổng lồ được ra đời thu hút du khách từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Lễ hội tuyết Sapporo với tác phẩm điêu khắc băng khổng lồ

Lễ hội tuyết Sapporo với tác phẩm điêu khắc băng khổng lồ (Nguồn ảnh: @japancheapo)

Lễ hội tuyết Sapporo được tổ chức tại 3 địa điểm với các triển lãm và hoạt động khác nhau như:

Công viên Odori

Khu vực chính sẽ triển lãm các tác phẩm điêu khắc khổng lồ từ băng với diện tích lên đến 400m cùng các hoạt động trượt băng, trượt tuyết, trượt ván và thưởng thức món ngon nóng hổi vùng Hokkaido.

Để đi đến đây, du khách sẽ mất 10 - 20 phút đi bộ từ ga JR Sapporo, đi theo lối ra phía tây dọc hầm đi bộ Sapporo Ekimae-dori và lên ở lối ra số 5.

Khu Tsudome

Địa điểm tổ chức lớn thứ hai của lễ hội tuyết Sapporo. Khu vực này phù hợp hơn với những người du lịch Nhật Bản cùng gia đình bởi hoạt động đa dạng dành cho mọi lứa tuổi. Nơi đây có các khu tiện ích, khu vui chơi dành cho trẻ em và nhà hàng đặc sản của Sapporo với những món ngon nóng hổi từ thịt cừu, Sapporo ramen, gà rán Zangi…

Từ JR Sapporo, du khách đi tuyến Toho và xuống tại ga Sakae, sẽ mất khoảng 10 phút đi bộ và lên ở lỗi ra số 2.

Khu Susukino

Địa điểm tổ chức thứ 3 gần công viên Odori, nổi tiếng với các quầy bar, khu vực uống rượu và đồ uống đặc sản địa phương. Đặc biệt, du khách có thể thoải mái leo lên các tác phẩm điêu khắc bằng băng cũng như “check-in” tại phố ánh sáng Illumination Street.

Du khách đi tuyến Namboki từ ga Sapporo đến ga Susukino, đi bộ lên theo lối ra số 3 là sẽ đến ngay khu vực tổ chức.

Phố ánh sáng Illumination trong lễ hội tuyết Sapporo

Phố ánh sáng Illumination trong lễ hội tuyết Sapporo (Nguồn ảnh: @hokkaido_jalan)

Tham gia lễ hội Nhật Bản vào mùa đông nói chung và lễ hội tuyết Sapporo nói riêng, du khách nên lưu ý chuẩn bị các trang phục ấm áp, mũ len, khăn và găng tay không thấm nước. Do tính chất lễ hội được tổ chức ngoài trời cũng như hoạt động chủ yếu bên cạnh băng tuyết, hãy giữ ấm cơ thể cho bản thân, gia đình để cùng nhau thưởng thức trọn vẹn lễ hội nhé.

Lễ hội hoa anh đào Hanami - Lễ hội Nhật Bản mùa xuân

  • Thời gian diễn ra: Từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Toàn quốc.

Lễ hội hoa anh đào Hanami được diễn ra trong thời tiết se lạnh, có nắng ấm của mùa xuân. Trong tiếng Nhật, Hanami được ghép bởi từ “Hana” (hoa) và “mi” (ngắm nhìn), do vậy, hoạt động này thường có ý nghĩa thưởng hoa.

Hanami thường được diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm và không cố định địa điểm tổ chức. Người dân Nhật Bản đã lấy mốc cây hoa anh đào đầu tiên ở đền Yasakuni nở thì lễ hội chính thức được bắt đầu. Có một số địa điểm ngắm hoa anh đào đẹp ở Nhật Bản du khách có thể lưu ngay lại:

  • Tokyo: đền Yasukuni, sông Meguro, sông Kyunaka, công viên Uneo…
  • Osaka: sông Okawa, cung điện Osaka, công viên Osaka-jo, Hirakata…
  • Kyoto: chùa Daigoji, đền Hirano Shrine, sông Kamogawa, thành Nijo…

Lễ hội hoa anh đào Hanami tại Okawa

Lễ hội hoa anh đào Hanami tại Okawa (Nguồn ảnh: @retarophotography)

Trong lễ hội này, người dân địa phương và du khách thường sẽ tổ chức các hoạt động cắm trại bên dưới gốc cây hoa anh đào, cùng ăn những món truyền thống như sushi, bento và uống rượu hanamizake. Tùy thuộc khu vực du khách có thể lựa chọn đi bộ hoặc đi thuyền để ngắm hoa anh đào nở hai bên bờ.

Ở các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka, lượng người đổ về tham gia lễ hội hoa anh đào Hanami thường rất đông, vì vậy, tham gia các lễ hội Nhật Bản thời điểm này, du khách nên đặt trước vé và phòng khách sạn từ 2 - 3 tháng để tránh tình trạng tăng giá và “cháy phòng”. Ngoài ra, tuyệt đối không được ngắt hoa, bẻ cành vì đây là loài cây được tôn trọng tuyệt đối ở Nhật Bản.

Lễ hội cá chép Koinobori Matsuri

  • Thời gian diễn ra: 05/05 hàng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Toàn quốc.

Trong tiếng Nhật, “Koi” có nghĩa là cá chép, “nobori” tượng trưng cho hình ảnh con cá bơi ngược từ dưới sông lên, linh vật này được xuất phát từ thuyết cá chép hóa rồng. Trong lễ hội Koinobori Matsuri, những chiếc cờ cá chép tượng trưng cho các bé trai khỏe mạnh ở Nhật Bản, cờ bay giữa trời xanh mang theo lời cầu nguyện của cha mẹ gửi gắm tới tương lai tốt đẹp của con trai họ.

Lễ hội cá chép Koinobori Matsuri tại Nhật Bản

Lễ hội cá chép Koinobori Matsuri tại Nhật Bản (Nguồn ảnh: @tokyoartsandculture)

Lễ hội cá chép Koinobori Matsuri diễn ra trong 2 tháng từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5 xuất phát từ thị trấn Kanna, tỉnh Gunma. Với ý nghĩa ngày lễ dành cho con trai, thời điểm này, các nhà có bé trai sẽ treo những chiếc lồng đèn cá chép trước cổng với số lượng tương ứng. Mỗi màu sắc thường có ý nghĩa tượng trưng khác nhau như: màu đen bắt nguồn sự sống, màu đỏ trí tuệ, màu xanh phát triển.

Bên cạnh việc treo cờ, người dân Nhật Bản sẽ tắm cho các bé trai bằng cây xương bồ Shobu, ngoài các công dụng tốt cho sức khỏe, loài cây này còn có ý nghĩa xua đuổi tà ma, cho các bé cuộc sống an lành.

Trải nghiệm lễ hội Nhật Bản này, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức bánh Mochi, Obento hình cá độc đáo, tham gia các cuộc thi làm cờ cá chép, hoạt động thả đèn cá chép xuống sông và cầu nguyện…

Dưới đây là gợi ý một số địa điểm tổ chức lễ hội cá chép Koinobori Matsuri:

  • Tháp Tokyo Tower, Tokyo.
  • Sông Niyodogawa, Kochi.
  • Chân cầu Niyodogawa, Kochi.
  • Sông Tsuruudagawa, Gunma.
  • Sông Tsuruudagawa, Tatebayashi, Gunma.
  • Thị trấn Kanna, Gunma.

Thời điểm này bắt đầu diễn ra các lễ hội mùa hè Nhật Bản, du khách lưu ý lựa cho trang phục thoải mái, mang theo ô, mũ để tiện tham gia các hoạt động ngoài trời.

Lễ hội anh đào Yamagata

  • Thời gian diễn ra: Tháng 6 hàng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Thành phố Yamagata, tỉnh Yamagata, Nhật Bản.

Khác với thưởng hoa Hanami, lễ hội anh đào Yamagata là lễ hội trái cây được tổ chức để hái những quả anh đào ngon ngọt tại vùng Yamagata. Để tham gia Yamagata, du khách sẽ phải chi từ 1.000 - 3.000 JPY (170.000 - 500.000 VNĐ) cho một buổi hái từ 30 - 60 phút và thoải mái thưởng thức những trái anh đào thơm ngọt. Bên cạnh việc tham quan, chụp hình, du khách sẽ được hướng dẫn kỹ thuật hái, nhận biết trái anh đào nào đã thu hoạch được.

Lễ hội anh đào Yamagata với những trái anh đào chín mọng

Lễ hội anh đào Yamagata với những trái anh đào chín mọng (Nguồn ảnh: @hk_willie)

Một số địa điểm dưới đây sẽ giúp du khách được trải nghiệm trọn vẹn lễ hội anh đào tại Yamagata:

Sagae

Được biết đến là thủ đô của trái anh đào tại Nhật Bản, thành phố Sagae thu hút du khách tham gia lễ hội từ khoảng tuần thứ 2 của tháng 6. Ngoài trải nghiệm hái, du khách có thể thử các sản phẩm được làm từ loại trái cây này như: rượu anh đào ngâm, kem anh đào, mứt anh đào…

Tendo

Cũng là một trong những vùng đất trái cây nổi tiếng ở Yamagata, Tendo sẽ giúp du khách lưu lại những khoảnh khắc hái anh đào đầy thú vị. Trong thị trấn cũng thường bày bán tất cả các sản phẩm như mứt, thạch, bánh, nước ép làm từ trái anh đào nổi tiếng để du khách có thể thưởng thức và mua về làm quà.

Bên cạnh việc tham gia lễ hội anh đào, du khách có thể thỏa sức khám phá một Yamagata hoàn toàn mới lạ thông qua trải nghiệm ngâm mình trong suối nước nóng Zao Onsen, tham quan kiến trúc cổ tại thành Kaminoyama và nhà của các Samurai, thưởng thức đặc sản nổi tiếng như súp Imoni, Konnyaku, mỳ Soba…

Thành Kaminoyama tại tỉnh Yamagata

Thành Kaminoyama tại tỉnh Yamagata (Nguồn ảnh: @nguyenduykhanh)

Yamagata là một tỉnh nằm trên đảo Honshu, cách Tokyo khoảng 400km. Du khách có thể lựa chọn một số phương tiện như: máy bay, tàu hỏa, tàu cao tốc để đến đây. Trong đó, tàu cao tốc Shinkansen thường được nhiều người lựa chọn nhất vì chi phí và thời gian di chuyển hợp lý. Từ Tokyo, du khách chỉ mất gần 3 tiếng khi đi tàu JR Yamagata Shinkansen đến ga Oishida với giá vé là 12.000 JPY (2.000.000 VNĐ).

Lễ hội pháo hoa sông Sumida - Lễ hội mùa hè Nhật Bản

  • Thời gian diễn ra: Thứ 7 cuối cùng của tháng 7.
  • Địa điểm tổ chức: Sông Sumida, Tokyo, Nhật Bản.

Lễ hội pháo hoa sông Sumida hay lễ hội pháo hoa Sumidagawa được biết đến là một trong những lễ hội pháo hoa cổ xưa nhất tại xứ sở Phù Tang, là một phần rất quan trọng của các lễ hội Nhật Bản vào mùa hè. Pháo hoa sông Sumida được bắt nguồn từ thế kỷ XVIII để cầu nguyện và xin các vị thần chấm dứt nạn đói, dịch bệnh và xoa dịu linh hồn của những người đã khuất.

Đến nay, lễ hội thường được Nhật Bản tổ chức bên bờ sông Sumida với các loại pháo hoa đa dạng hình thù như: hoa anh đào, tháp Skytree, Pokemon… Người dân và du khách đến tham quan bên cạnh việc tìm cho mình cho vị trí thuận lợi để ngắm pháo, có thể tụ tập ăn uống, cắm trại gần khu vực bờ sông.

Lễ hội Nhật Bản mùa hè - lễ hội pháo hoa sông Sumida

Lễ hội Nhật Bản mùa hè - lễ hội pháo hoa sông Sumida (Nguồn ảnh: @tetsushin634)

Để tới địa điểm tổ chức, du khách có thể di chuyển bằng tàu điện đến ga Asakusa, ga Tobu Asakusa hoặc ga Kuramae, sau đó đi bộ từ 5 - 15 phút là sẽ tới điểm bắt pháo.

Lễ hội pháo hoa sông Sumida hàng năm thường có rất đông người tham dự, nếu muốn chọn cho mình một góc để nhìn toàn cảnh những màn trình diễn mãn nhãn, bạn nên tới đây xếp hàng từ sớm. Đừng quên mặc những trang phục thoải mái vì thời tiết mùa hè khá oi bức, bạn cũng có thể thấy, đa số người Nhật lúc này sẽ mặc Yukata - trang phục tối giản của Kimono với ít lớp hơn và phù hợp với thời tiết nóng nực mùa hè.

Lễ hội văn hóa Nhật Bản Gion

  • Thời gian diễn ra: 01/07 đến 31/07 hàng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Kyoto, Nhật Bản.

Lễ hội Gion (Gion Matsuri) là lễ hội Nhật Bản truyền thống lớn nhất thường được tổ chức tại cố đô Kyoto với ý nghĩa cầu nguyện cho sự bình an và thịnh vượng của thành phố, kết nối cộng đồng, bảo tồn văn hóa truyền thống và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Lễ hội này sẽ diễn ra các cuộc diễu hành lớn tại những con phố Shijo, Kawaramachi và Oike, trung tâm Kyoto với các hoạt động chính bao gồm:

  • Rước kiệu Yamamboko, Hoko: Rước kiểu khổng lồ được trang trí lộng lẫy qua các con phố.
  • Nghệ thuật truyền thống: Trình diễn múa rối, ca hát nghệ thuật truyền thống, nhảy múa…
  • Ẩm thực truyền thống: Thưởng thức các món ăn truyền thống, đặc sắc của Nhật Bản.
  • Thả đèn hoa đăng: Thả đèn xuống sông Kamo cầu mong sự may mắn, bình an.
  • Trò chơi dân gian: Tham gia các trò thả diều, kéo co, đấu vật…

Lễ rước kiệu Yamaboko trong lễ hội Gion ở Kyoto

Lễ rước kiệu Yamaboko trong lễ hội Gion ở Kyoto (Nguồn ảnh: @xevicollado)

Để tham gia lễ hội Nhật Bản mùa hè này, du khách có thể dựa theo các tuyến phố mà kiệu khổng lồ Yamamboko diễu hành qua. Ví dụ như điểm chính phố Shijo Doori, du khách có thể đi từ ga Kawaramachi tới ga Karasuma. Phố Kawaramachi Doori có thể đi từ ga Kawaramachi tới ga Kyoto Shiyakusho và phố Oike Doori có thể đi từ ga Kyoto Shiyakusho tới ga Karasuma Oike Doori.

Các con phố trong lễ hội Gion được trang trí lồng đèn rực rỡ

Các con phố trong lễ hội Gion được trang trí lồng đèn rực rỡ (Nguồn ảnh: @noriko)

Có 3 điểm quan trọng cần lưu ý khi tham gia Lễ hội văn hóa Nhật Bản Gion tại Kyoto:

  • Đầu tiên, lễ hội diễn ra vào mùa hè cũng có nghĩa là mùa mưa, hãy đem theo ô đề phòng những cơn mưa bất chợt kéo đến.
  • Thứ 2, lễ hội Gion kéo dài qua nhiều con phố với quy mô rất lớn. Sẽ khá khó để tìm thấy nhà vệ sinh công cộng ở đây. Nếu cần, du khách có thể sử dụng nhà vệ sinh trong các cửa hàng tiện lợi, ga tàu điện trước khi vào lễ hội.
  • Thứ 3, tại lễ hội có rất nhiều quầy hàng truyền thống, cửa hàng lưu niệm nhỏ, hãy chuẩn bị sẵn tiền mặt cũng như các tờ tiền có mệnh giá thấp để việc mua hàng được thuận tiện nhất.

Lễ Obon – Lễ hội truyền thống Nhật Bản

  • Thời gian diễn ra và Địa điểm tổ chức:

Lễ hội Obon Nhật Bản tháng 7 (Shichigatsu Bon): 13 - 15/07 ở Tokyo, Yokohama, Tohoku.

Lễ hội Obon Nhật Bản tháng 8 (Hatchigatsu Bon): 13 - 15/08 ở Kyoto và nhiều vùng khác.

Nếu ở Việt Nam có lễ Vu Lan báo hiếu thì lễ hội Nhật Bản cũng có một ngày tương tự. Theo quan niệm của đất nước mặt trời mọc, Obon là lễ hội Phật giáo lớn, được tổ chức hàng năm nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, cội nguồn, bày tỏ lòng thành kính đối với người đi trước và chào đón linh hồn tổ tiên trở về nhà.

Lễ thường được chia thành 2 phần chính với Mukaebo (Đón các linh hồn) và Okuribon (Tiễn các linh hồn), thời gian đón tiễn của lễ hội cũng không cố định mà theo phong tục của từng địa phương. Dịp lễ này, những người con xa nhà thường về đoàn tụ cùng ông bà, cha mẹ, cùng đi viếng mộ người thân trong gia đình.

Đặc biệt, khi tham gia lễ hội Obon Nhật Bản lớn nhất được tổ chức tại Kyoto, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lễ dâng lửa thông qua việc thắp sáng chữ trên 5 ngọn núi xung quanh cố đô, hòa mình vào các điệu múa Daimoku, Sashi, điệu nhảy dân gian Bon Odori và nghi thức thả thuyền giấy Toro Nagashi để đưa tiễn linh hồn tổ tiên trở về với thế giới bên kia.

Nghi thức Toro Nagashi trong lễ hội Obon Nhật Bản

Nghi thức Toro Nagashi trong lễ hội Obon Nhật Bản (Nguồn ảnh: @kitsunekun)

Xuất phát từ nhu cầu đi lại, giao thông những ngày cao điểm trong lễ hội Obon Nhật Bản thường xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài trên các tuyến đường, du khách có thể lựa chọn phương tiện công cộng như tàu điện và đặt vé từ sớm nếu muốn trải nghiệm lễ hội Nhật Bản đặc trưng này.

Lễ hội nón hoa Hanagasa Matsuri

  • Thời gian diễn ra: 05 đến ngày 07/08 hàng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Yamagata, Nhật Bản.

Là một trong năm lễ hội mùa hè Nhật Bản lớn nhất vùng Đông Bắc, lễ hội nón hoa Hanagasa Matsuri mang đến biểu tượng của tỉnh Yamagata với những chiếc nón hoa được làm thủ công từ rơm và được trang trí bằng hoa rum (benibana hay safflower). Trong lễ hội này, các vũ công biểu diễn điệu nhảy Hanagasa đầy kiêu hãnh, sáng tạo và các động tác có liên quan đến hình ảnh xoay nón Hanagasa.

Yamana cách trung tâm Tokyo khoảng 400km, di chuyển đến đây du khách có thể lựa chọn một số loại phương tiện sau:

  • Máy bay: Hạng tiết kiệm của Japan Airlines có giá từ 2.300.000 VNĐ.
  • Tàu cao tốc: Shinkansen JR East có giá từ 2.000.000 VNĐ.
  • Tàu hỏa: Japan Rail Pass có giá từ 1.400.000 VNĐ.

Lễ hội nón hoa Hanagasa tại Yamagata

Lễ hội nón hoa Hanagasa tại Yamagata (Nguồn ảnh: @vietair)

Bên cạnh việc tham quan lễ hội, du khách có thể tham gia góc dạy nhảy tại khu quảng trường để được hướng dẫn kỹ thuật nhảy cũng như thoải mái hòa mình vào đoàn diễu hành trên đường phố trong lễ hội nón hoa Yamagata Hanagasa.

Lễ hội âm nhạc Kangensai

  • Thời gian diễn ra: Tháng 8 hằng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Thành phố Hatsukaichi, Hiroshima.

Kangensai bắt nguồn từ thế kỷ XII khi các lớp quý tộc thường du ngoạn trên thuyền và thưởng thức hòa nhạc. Trong tiếng Nhật, Kangen là âm nhạc được biểu diễn bằng cách chơi 9 loại nhạc cụ: 3 loại dây, 3 loại trống và 3 loại sáo. Ngày nay, lễ hội Kangensai thường tái hiện lại âm nhạc và những điệu múa vô cùng độc đáo trong lịch sử.

Lễ hội âm nhạc Kangensai được tổ chức tại đảo Miyajima, thành phố Hatsukaichi, tỉnh Hiroshima vào tháng 8 hàng năm với rất nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc. Những con thuyền được trang trí rực rỡ để diễu hành trên biển, theo đó là 3 thuyền nhỏ với rất nhiều lồng đèn kết nối tạo thành sân khấu hoành tráng trên mặt nước.

Tại lễ hội Nhật Bản Kangensai, người dân sẽ cùng lúc thực hiện các nghi thức dành riêng cho vị thần tại đền thờ Itsukishima. Nghi lễ thần đạo này bắt đầu từ chiều đến khoảng nửa đêm, người tham gia thực hiện diễu hành qua cổng Torii sau đó mới lên thuyền.

Để đến được Miyajima, du khách cần di chuyển đến ga Miyajimaguchi, tiếp tục đi bộ thêm 3 phút đến bến phà để lên đảo. Giá vé phà thông thường dao động khoảng 180 JPY (30.000 VNĐ) cho người lớn và 90 JPY (15.000 VNĐ) cho trẻ em. Thời gian đi phà sẽ mất khoảng 10 phút nếu thời tiết thuận lợi.

Cổng Torii và nơi tổ chức lễ hội âm nhạc Kangensai

Cổng Torii và nơi tổ chức lễ hội âm nhạc Kangensai (Nguồn ảnh: @bontraveler)

Bên cạnh thuyền diễu hành và thuyền sân khấu sẽ có rất nhiều thuyền và các vị trí được bố trí cho khách mời, người dân địa phương và khách tham quan, song những chỗ ngồi này đều sẽ ở trên mặt nước. Du khách tham gia lễ hội âm nhạc Kangensai nên lưu ý xếp hàng và di chuyển cẩn thận, tránh các trường nguy hiểm xảy ra.

Nếu là người đam mê văn hóa lễ hội và âm nhạc truyền thống, đừng bỏ qua Kangensai được mong chờ nhất trong các lễ hội mùa hè Nhật Bản.

Lễ hội Owara Kaze no Bon

  • Thời gian diễn ra: 01 đến 03/09 hàng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Yatsuo, Toyama, Nhật Bản.

Bắt nguồn từ lời cầu mong mẹ thiên nhiên mưa thuận gió hòa, giảm bớt thiên tai tàn phá mùa màng của người nông dân, lễ hội Owara Kaze no Bon cứ như vậy được ra đời tại thị trấn Yatsuo, phía nam thành phố Toyama.

Tại Owara Kaze no Bon, các vũ công thường mặc trang phục sặc sỡ, tham gia nhảy múa, diễu hành qua con phố cổ với những ngôi nhà gỗ lịch sử của thị trấn từ buổi chiều cho tới khi màn đêm buông xuống.

Phong cách đặc trưng của lễ hội Owara Kaze no Bon nằm ở chính sự đồng nhất từ trang phục Kimono biểu diễn, những chiếc mũ rơm gập đôi đến điệu múa độc đáo. Bên cạnh đó, các bản nhạc cũng được đánh suốt trong buổi diễu hành với giai điệu da diết từ đàn shamisen, trống taiko.

Lễ hội Owara Kaze no Bon với chiếc mũ rơm đặc trưng

Lễ hội Owara Kaze no Bon với chiếc mũ rơm đặc trưng, nguồn ảnh @personalizedservices

Lễ hội Nhật Bản truyền thống này được tổ chức ở trung tâm Yatsuo và thường có xe buýt miễn phí từ ga Toyama đến ga Etchu Yatsuo, du khách di chuyển tiếp bằng xe buýt khoảng 12 phút sẽ tới trung tâm thị trấn và địa điểm tổ chức.

Thời điểm này, du khách tham gia lễ hội Nhật Bản Owara Kaze no Bon có thể mặc các trang phục rộng rãi, thoải mái để phù hợp với tiết trời mùa thu. Đặc biệt hãy thử trang phục tối giản của Kimono là Yukata với chất vải mát, ít lớp và dễ đi lại hơn.

Lễ hội Kawagoe - Lễ hội Nhật Bản mùa thu

  • Thời gian diễn ra: Thứ 7, Chủ Nhật trong tuần 3 của tháng 10 hàng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Saitama, Nhật Bản.

Nếu bạn đang tìm kiếm một lễ hội mùa thu Nhật Bản, nơi có không khí sôi động và các gian hàng ẩm thực độc đáo, hãy tham gia ngay lễ hội Kawagoe ở tỉnh Saitama. Thời điểm này, thành phố sẽ tràn ngập những chiếc kiệu Dashi được trang trí rực rỡ cùng mô hình búp bê tinh xảo đặt trên nóc và diễu hành quanh thị trấn.

Lễ hội Nhật Bản Kawagoe

Lễ hội Nhật Bản Kawagoe (Nguồn ảnh: @kawagoe_hikawa)

Lễ hội Kawagoe thường diễn ra mang đậm bối cảnh lịch sử của thời Edo. Trong đó, sự kiện nổi bật nhất của lễ hội chính là Hikkawase, khi hai chiếc kiệu đi qua nhau và nổ ra một cuộc thi đấu âm nhạc thú vị trên nền nhạc sôi động.

Đối với nhiều du khách, điều hấp dẫn khi tham gia lễ hội là Kawagoe còn cho họ có cảm giác như được du hành ngược thời gian khi đi dạo quanh những ngôi nhà, đường phố với kiến trúc cổ. Bên cạnh đó, có rất nhiều quầy hàng ẩm thực được đặt trong lễ hội Nhật Bản này, phần để phục vụ lễ hội, phần vì nơi đây chính là cái nôi của các cửa hàng bánh kẹo, đồ ngọt truyền thống tại Nhật Bản.

Khu phố cổ Kawagoe với kiến trúc cổ đặc trưng

Khu phố cổ Kawagoe với kiến trúc cổ đặc trưng (Nguồn ảnh: @makabe1500)

Để đến được địa điểm tổ chức lễ hội Kawagoe, du khách có thể sử dụng tàu cao tốc hoặc tàu hỏa. Trong đó tàu cao tốc tuyến Tobu Tojo từ ga Ikebukuro, Tokyo đến đây sẽ là phương tiện tối ưu nhất với thời gian chỉ khoảng 30 phút, giá vé cho chặng này là 463 JPY (gần 80.000 VNĐ). Từ ga Kawagoe, du khách chỉ cần đi bộ 5 phút sẽ tới địa điểm tổ chức.

Lễ hội mùa thu Fujiwara

  • Thời gian diễn ra: Đầu tháng 11 hàng năm từ 01/11 - 03/11.
  • Địa điểm tổ chức: Hiraizumi, Iwate, Nhật Bản.

Với mục đích vinh danh các lãnh chúa Fujiwara đặt tại Cung điện Vàng (Golden Pavilion), lễ hội mùa thu Fujiwara được tổ chức tại cả Cung điện và chùa Chusonji.

Lễ chính sẽ có cuộc diễu hành từ sảnh vào cung điện của trẻ em trong trang phục Kimono, ca sĩ và các tu sĩ từ ngày 01/11. Ngày 03/11, vở kịch Noh truyền thống sẽ được diễn trên chính sân khấu ngoài trời truyền thống của chùa Chusonji và các nghệ thuật dân gian khác như Kagura, múa Shishi-Odori. Tất cả đều được diễn ra dưới mùa thu rực rỡ với những tán lá vàng, đỏ ở Hiraizumi.

Chùa Chusonji, một trong những nơi tổ chức lễ hội Fujiwara

Chùa Chusonji, một trong những nơi tổ chức lễ hội Fujiwara (Nguồn ảnh: @chinaairlines)

Ngoài các hoạt động chính, lễ hội Fujiwara mùa thu còn là dịp để du khách có cơ hội chiêm bái chính điện Chusonji, tham gia hoạt động dâng hoa cúc và nhận hoa cúc đã ban phước, thưởng thức những điệu múa truyền thống được lưu truyền từ thời kỳ Heian tại địa phương.

Để tham gia lễ hội Fujiwara, du khách di chuyển đến ga Hiraizumi, sau đó sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi hoặc đi bộ. Thời gian di chuyển bằng taxi sẽ mất khoảng 5 phút để đến địa điểm tổ chức, 10 phút với xe buýt và 30 phút nếu đi bộ.

Thời điểm diễn ra lễ hội mùa thu Fujiwara sẽ trùng với lễ hội hoa cúc từ tháng 10 đến tháng 11 tại Nhật Bản, hãy sạc đầy pin những chiếc máy chụp hình vì bức tranh kết hợp giữa tán lá thu đỏ vàng cùng những bông cúc rực rỡ sẽ khiến bất cứ ai đến đây cũng phải siêu lòng.

Lễ hội Kasuga Wakamiya Onmatsuri

  • Thời gian diễn ra: 4 ngày từ 15 đến 18/12 hàng năm.
  • Địa điểm tổ chức: Nara, Nhật Bản.

Nếu tham gia các lễ hội Nhật Bản, bạn có thể sẽ chỉ được chiêm ngưỡng giá trị văn hóa lịch sử trong một thời kỳ nhất định, tuy nhiên lễ hội Kasuga Wakamiya Onmatsuri (Kasuga Wakamiya On-Matsuri) sẽ là cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm văn hóa Nhật Bản qua rất nhiều thời đại khác nhau.

Kasuga Wakamiya Onmatsuri là một trong những lễ hội lâu đời nhất từ thế kỷ XII và là lễ hội cổ xưa nhất tại cố đô Nara. Lễ hội được đặt tên theo ngôi đền Kasuga Wakamiya với ý nghĩa ban đầu để cầu nguyện cho mùa màng và sức khỏe.

Lễ hội Kasuga Wakamiya Onmatsuri tại Nara

Lễ hội Kasuga Wakamiya Onmatsuri tại Nara (Nguồn ảnh: @laziavava)

Tham gia Kasuga Wakamiya Onmatsuri, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức biểu diễn Kasuga, điệu múa và âm nhạc truyền thống Bugaku. Đặc biệt nổi bật nhất trong lễ hội chính là sự kiện Jidai Gyoretsu với gần 500 người diện những trang phục truyền thống được ghi chép lại theo đúng lịch sử nhằm tái hiện văn hóa từ thời kỳ Heian (thế kỷ IX) đến thời kỳ Edo (thế kỷ XIX).

Để tham gia lễ hội văn hóa Nhật Bản này, du khách có thể di chuyển đến ga Kintetsu Nara, sau đó đi bộ khoảng 20 phút hoặc đi xe buýt từ ga Nara tới bến cuối sẽ đến được địa điểm tổ chức.

Có một điểm nhấn nhỏ trên con đường đi đến đền Kasuga Wakamiy, nơi tổ chức lễ hội sẽ đi qua công viên Nara, tại đây du khách có thể bắt gặp hàng trăm con nai đi lại tự do quanh khuôn viên. Nai là loài động vật linh tính cao, truyền lời chỉ dạy từ các vị thần ngự tại ngôi đền theo quan niệm của người dân địa phương. Du khách có thể ghé thăm công viên, chụp hình cùng những chú nai và thưởng thức một số quầy ẩm thực tại đây.

Công viên Nara gần chùa Kasuga Wakamiya

Công viên Nara gần chùa Kasuga Wakamiya

Các lễ hội Nhật Bản được tổ chức quanh năm và mang những màu sắc riêng biệt, bên cạnh việc duy trì bản sắc dân tộc lâu đời, những lễ hội này còn đem các giá trị văn hóa truyền thống đến gần hơn với du khách trên toàn thế giới.

Để trải nghiệm lễ hội văn hóa Nhật Bản cũng như khám phá xứ sở hoa anh đào, tham khảo ngay các tour du lịch Nhật Bản tại BestPrice Travel - Công ty với hơn 14 năm kinh nghiệm điều tour và lên các chương trình khám phá trọn vẹn đất nước mặt trời mọc.

Tham khảo ngay tour du lịch Nhật Bản với ưu đãi hấp dẫn trong tháng tại:

https://www.bestprice.vn/tour/nhat-ban

Dung

Nguồn ảnh: Dung & Internet

6818 Views

Các bài viết cùng chuyên mục

Hỏi đáp