Số điện thoại hỗ trợ

phone 1900 2605

Du Lịch Tây An – Nơi thời gian dừng lại bên những bức tường cổ đại

Tây An (Xi’an) là vùng đất giao hòa giữa nét hiện đại và vẻ cổ kính. Nơi giữa những tòa nhà cao tầng và trung tâm thương mại sầm uất là phố đá rêu phong cùng hàng quán mang hương vị ẩm thực dân dã. Vùng đất cố đô này còn là điểm gặp gỡ giữa văn hóa Hán và Hồi giáo, tạo nên bản sắc riêng biệt khó nơi nào có được.

Mục lục bài viết
  • 1. Tây An ở đâu?
  • 2. Du lịch Tây An Trung Quốc mùa nào đẹp nhất?
  • 3. Di chuyển đến Tây An và đi lại trong thành phố
  • 4. Ở đâu khi du lịch Tây An Trung Quốc?
  • 5. Gợi ý top các món ăn phải thử khi du lịch Tây An?
  • 6. Những điểm đến không thể bỏ lỡ khi du lịch Tây An
    • 6.1 Lăng mộ Tần Thủy Hoàng & Binh Mã Dũng
    • 6.2 Thành cổ Tây An
    • 6.3 Tháp Đại Nhạn
    • 6.4 Khu phố Hồi giáo 
    • 6.5 Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây
    • 6.6 Công viên Đường Đại Từ Ân & Quảng trường nhạc nước
  • 7. Trải nghiệm không thể bỏ lỡ chỉ có tại Tây An
  • 8. Tây An có gì? Du lịch Tây An nên mua gì làm quà?
  • 9. Những mẹo hữu ích cho chuyến đi Tây An

Tây An ở đâu?

Tây An, thành phố thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, nằm tại trung tâm vùng Hoàn Nguyên, tựa lưng vào dãy Quan Trung hùng vĩ và hướng mặt về vùng đồng bằng Ngạc Hồ ở phía Bắc. Với hơn 3.000 năm lịch sử và từng là thủ đô của 13 triều đại, Tây An không chỉ được biết đến như một thành phố cổ kính mà còn là biểu tượng của văn hóa, tôn giáo và thương mại cổ đại.

Nơi đây từng là điểm khởi đầu của con đường tơ lụa nổi tiếng, trung tâm giao thương giữa phương Đông và phương Tây. Những công trình như tường thành Tây An, Tháp Đại Nhạn, và đặc biệt là lăng mộ Tần Thủy Hoàng, đã khắc sâu dấu ấn của một nền văn minh rực rỡ bậc nhất Trung Hoa cổ đại.

Tây An ở đâu? Tây An có gì hấp dẫn?

Tây An ở đâu? Tây An có gì hấp dẫn?

Du lịch Tây An Trung Quốc mùa nào đẹp nhất?

Tây An mang khí hậu gió mùa lục địa với bốn mùa rõ rệt, mỗi mùa lại mang đến một vẻ đẹp và trải nghiệm riêng biệt:

Mùa xuân

Du lịch Tây An mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5 thường có thời tiết ấm áp (8–22°C), hoa đào và mận nở rộ khắp nơi. Đây là thời điểm lý tưởng để tham quan các di tích như Tường thành Tây An, Tháp Đại Nhạn, công viên Đại Hưng, hoặc tham gia hội chợ hoa và lễ hội dân gian đầu xuân.

Mùa xuân tại Tây An Trung Quốc

Mùa xuân tại Tây An Trung Quốc. Ảnh: @shanchinatours, @hhrlhhrl

Mùa hè

Bắt đầu mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8, nhiệt độ Tây An lúc này năng tăng khá cao lên tới 35–38°C, song nhiệt buổi tối sẽ dễ chịu và dịu mát hơn. Du khách nên ưu tiên các điểm tham quan trong nhà như: Bảo tàng Thiểm Tây và khám phá chợ đêm Muslim Quarter, hoặc thưởng thức show diễn cổ trang về đêm.

Mùa thu

Mùa thu Tây An từ tháng 9 đến tháng 11 được xem là mùa đẹp nhất với tiết trời mát mẻ (15–25°C), du lịch Tây An Trung Quốc mùa này ngoài bầu trời trong xanh, bạn sẽ được đắm chìm trong sắc vàng, sắc đỏ rực rỡ của cây lá, phù hợp cho việc leo núi Hoa Sơn, dạo quanh các công viên cổ và chụp ảnh trong trang phục truyền thống.

Du lịch Tây An mùa thu rực rỡ lá vàng

Du lịch Tây An mùa thu rực rỡ lá vàng

Mùa đông

Mùa đông ở Tây An trời khá lạnh từ -2 đến 8°C, có thể có tuyết nhẹ khiến khung cảnh cổ kính càng trở nên tôn nghiêm hơn. Thời điểm này rất thích hợp để thưởng thức ẩm thực nóng như súp bánh mì thịt dê (Yang Rou Pao Mo), lẩu dê, trà nóng và khám phá các khu di tích trong không gian yên bình.

Di chuyển đến Tây An và đi lại trong thành phố

Di chuyển từ Việt Nam đến Tây An

Tây An có sân bay quốc tế Xianyang, cách trung tâm khoảng 40 km, đón các chuyến bay từ nhiều thành phố lớn trong và ngoài Trung Quốc. Từ Việt Nam, bạn có thể bay nối chuyến qua Bắc Kinh, Quảng Châu hoặc Thượng Hải để tới Tây An.

Ngoài ra, Tây An còn là điểm trung chuyển quan trọng của mạng lưới tàu cao tốc Trung Quốc nên đây cũng sẽ là một lựa chọn lý tưởng cho du khách muốn ngắm nhìn thêm phong cảnh trên đường. Từ Bắc Kinh, du khách có thể đến Tây An trong 4 – 6 giờ, còn nếu đi từ Thượng Hải sẽ mất khoảng 6 – 8 giờ bằng tàu cao tốc.

Tàu cao tốc tại Trung Quốc rất phổ biến

Tàu cao tốc tại Trung Quốc rất phổ biến

Di chuyển tại Tây An

Phương tiện di chuyển trong thành phố Tây An rất đa dạng từ hệ thống metro hiện đại với nhiều tuyến kết nối các điểm tham quan lớn như: Tháp Chuông, Tháp Đại Nhạn, tường thành, phố Hồi giáo.

Taxi và ứng dụng gọi xe Didi phổ biến, giá cả phải chăng. Tuy nhiên giống với các thành phố lớn khác ở Trung Quốc, sử dụng taxi thường dễ gặp phải tình trạng kẹt xe, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Bạn cũng có thể thuê xe đạp hoặc đi bộ để khám phá khu vực trung tâm thành phố, xung quanh các địa điểm có nhiều công trình cổ kính và phố ẩm thực đặc sắc.

Ở đâu khi du lịch Tây An Trung Quốc?

Dưới đây là danh sách một số khách sạn phổ biến được du khách lựa chọn tại Tây An:

Khách sạn Địa chỉ Giá tham khảo (VNĐ/đêm)

Hantang Inn Hostel Xi'an

7 Nanchang Lane, Xincheng Square South, Xincheng, Xi'an

650.000

Campanile Hotel Xi’an Bell Tower

West Street, Zhengxue Street 8 Bei Lin, Beilin, Xi'an

1.000.000

Holiday Inn Express Xi'an North Station by IHG

Building C,No. 999,North Section of Jianyuan Second Road, Weiyang, Xi'an

1.200.000

Hilton Xi’an

199 Dongxin Street, Xincheng District, Near Train Station, Xincheng, Xi'an

2.500.000

Sofitel Legend People's Grand Hotel Xi'an

No. 319, Dongxin Street, Xincheng, Xi'an

6.000.000

Gợi ý top các món ăn phải thử khi du lịch Tây An?

Tây An không chỉ cuốn hút bởi chiều sâu văn hóa mà còn bởi nền ẩm thực mang dấu ấn giao thoa Hán - Hồi. Gia vị đậm đà, nguyên liệu truyền thống, cách chế biến công phu, tất cả tạo nên những món ăn không chỉ ngon miệng mà còn là lát cắt sống động xuyên suốt lịch sử thành phố này.

Rou Jia Mo (肉夹馍): “Hamburger Trung Hoa” hay bánh mì kẹp thịt thường có vỏ giòn rụm và phần nhân thịt heo hầm mềm thấm vị đại hồi, quế, gừng. Đây là món ăn phổ biến mà du khách có thể tìm ở bất kỳ góc phố nào tại Tây An.

Hamburger Trung Hoa

Hamburger Trung Hoa

Yang Rou Pao Mo (羊肉泡馍): Là món súp bánh mì thịt dê nổi tiếng, Yang Rou Pao Mo thường ăn kèm với tỏi muối, ớt chưng và mì sợi nhỏ. Thích hợp cho những ngày đông lạnh giá.

Biang Biang Mian (biáng biáng面): Mì sợi bản to trộn sốt cay, hành phi, dấm đen. Biang Biang Mian không chỉ hấp dẫn du khách bởi hương vị đậm đà mà còn bởi cái tên “biang” - một trong những chữ Hán phức tạp và hiếm nhất.

Mì Biang Biang trứ danh - Biang Biang Mian

Mì Biang Biang trứ danh - Biang Biang Mian

Liang Pi (凉皮): Mì lạnh ăn cùng dưa chuột, đậu phộng, nước sốt cay, đây là món ăn giải nhiệt và rất phù hợp trong thời tiết mùa hè.

Chè đậu xanh với tỏi muối (蒜绿豆汤): Món tráng miệng đặc trưng của khu phố Hồi, kết hợp vị thanh của đậu xanh với tỏi muối vô lạ miệng. Tiếp cận món ăn này lần đầu chắc hẳn sẽ đem đến nhiều sự ngỡ ngàng nhưng về lâu thường khá dễ “nghiện”.

Gợi ý địa điểm ăn uống nổi bật

  • Muslim Quarter: Khu phố ẩm thực đường phố sôi động nhất Tây An. Tại đây, bạn có thể thưởng thức đủ món đặc sản Thiểm Tây giữa không khí nhộn nhịp của cộng đồng Hồi giáo bản địa.
  • Lao Sun Jia (老孙家): Nhà hàng lâu đời chuyên món Yang Rou Pao Mo đúng vị, không gian đậm chất truyền thống.
  • De Fa Chang (德发长): Nơi lý tưởng để thưởng thức điểm tâm cung đình, mì Biang Biang và lẩu dê Thiểm Tây trong không gian cổ điển.
  • Xiao Chai Yuan (小柴院): Phong cách trẻ trung kết hợp truyền thống, món ăn đẹp mắt – hợp để check-in sống ảo.
  • Chợ đêm Yongxingfang (永兴坊夜市): Hội tụ đặc sản cả tỉnh Thiểm Tây, cùng các tiết mục biểu diễn dân gian và nghệ thuật đường phố.

Những điểm đến không thể bỏ lỡ khi du lịch Tây An

Tây An là một trong những trung tâm văn hóa – chính trị cổ đại lớn nhất Trung Hoa. Không chỉ nổi tiếng với Binh Mã Dũng, thành phố này còn có hàng loạt công trình lịch sử và tôn giáo mang tầm vóc thế giới:

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng & Binh Mã Dũng

Ẩn mình dưới lòng đất suốt hơn hai thiên niên kỷ, lăng mộ Tần Thủy Hoàng không chỉ là nơi yên nghỉ của vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa, mà còn là một trong những công trình khảo cổ vĩ đại và bí ẩn nhất thế giới. Nằm tại huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây, cách trung tâm Tây An khoảng 40km về phía Đông Bắc. Khu lăng mộ tọa lạc trên thế đất phong thủy hiếm có, phía Nam tựa núi Ly Sơn, phía Bắc nhìn ra sông Vị Hà. Cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa linh thiêng khiến nơi đây toát lên vẻ tôn nghiêm không thể xâm phạm.

Đến tham quan khu lăng mộ tại Tây An Trung Quốc chính là khoảnh khắc bạn đứng giữa hàng nghìn tượng binh mã đất nung. Mỗi bức tượng đều mang vẻ mặt và trang phục khác biệt, như thể một đội quân bất tử đang âm thầm canh giữ thế giới bên kia. Đây là cơ hội hiếm có để cảm nhận rõ sự vĩ đại của một đế chế từng khiến cả vùng đất Trung Hoa cổ đại thay đổi.

Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé thăm núi Ly Sơn ở gần khu vực Tần Lăng – nơi từng là hành cung mùa hè của nhà Tần, mang đến một khung cảnh thanh tịnh và đầy khí chất vương giả.

  • Giờ mở cửa: Từ 8:30 đến 17:00 (mùa cao điểm: tháng 3–11), và từ 8:30 đến 16:30 (mùa thấp điểm: tháng 12–2).
  • Giá vé: Khoảng 120–200 tệ (tức 420.000–700.000 VNĐ), tùy thời điểm và loại vé đi kèm.

Tượng Binh trong khuôn viên Lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Tượng Binh trong khuôn viên Lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: @11_elf

Thành cổ Tây An

Thành cổ Tây An là một trong những tường thành cổ được bảo tồn nguyên vẹn nhất tại Trung Quốc và là biểu tượng lịch sử không thể bỏ lỡ khi đến với thành phố này. Được xây dựng từ thời nhà Minh (khoảng thế kỷ IV) trên nền móng cũ của thành trì nhà Đường, tường thành Tây An có hình chữ nhật, bao quanh khu phố cổ với tổng chiều dài lên đến 13,7 km, cao trung bình 12 m và rộng khoảng 14 m.

Điểm đặc biệt của tường thành là hệ thống hào nước bao quanh, các cổng thành đồ sộ và tháp canh kiên cố, thể hiện rõ lối kiến trúc quân sự cổ đại. Tường thành không chỉ mang ý nghĩa phòng thủ mà còn là biểu tượng quyền lực của một kinh đô cổ, 4 cổng thành ở 4 hướng Đông Tây Nam Bắc đều có một ý nghĩa chúc phúc khác nhau.

Ngày nay, du khách có thể thuê xe đạp để đạp vòng quanh tường thành, mất từ 1,5 đến 2 tiếng. Đây là trải nghiệm lý tưởng để vừa vận động, vừa chiêm ngưỡng toàn cảnh Tây An từ trên cao – nơi những mái ngói cổ kính xen lẫn các công trình hiện đại tạo nên vẻ đẹp giao thoa quá khứ và thực tại đầy ấn tượng.

Ghé thăm thành cổ Tây An, du khách còn có cơ hội xem biểu diễn võ thuật hoặc múa cổ trang ở các cổng thành vào buổi tối (thường tổ chức tại cổng Nam). Điểm đến này không chỉ là di tích lịch sử mà còn là không gian văn hóa sống động, giúp du khách hình dung được rõ nét diện mạo và tầm vóc của một cố đô từng rực rỡ suốt hàng thế kỷ.

  • Giờ mở cửa: 08:00 – 18:00
  • Giá vé: Khoảng 180.000 - 330.000 VNĐ/người, tùy loại vé (giá vé trẻ em là 90.000 VNĐ, em bé dưới 1m2 miễn phí)

Cổng thành thành cổ Tây An

Cổng thành thành cổ Tây An

Tháp Đại Nhạn

Tháp Đại Nhạn (Big Wild Goose Pagoda) không chỉ là biểu tượng của thành phố Tây An, mà còn là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo quan trọng nhất của Trung Quốc cổ đại. Được xây dựng vào năm 652 dưới thời nhà Đường, tháp là nơi lưu giữ những bản kinh Phật và tượng Phật mà ngài Huyền Trang đã mang về sau chuyến thỉnh kinh sang Ấn Độ.

Ban đầu, tháp được xây bằng đất nện với năm tầng, nhưng sau nhiều lần trùng tu qua các triều đại, công trình hiện nay cao khoảng 64 mét với bảy tầng gạch đá kiên cố, mang đậm phong cách kiến trúc đời Đường. Bên trong tháp là nơi trưng bày tượng Phật, phù điêu, bản thảo kinh cổ và nhiều hiện vật quý.

Khuôn viên chùa Đại Từ Ân bao quanh tháp là nơi lý tưởng để tản bộ bên cạnh hồ nước trong xanh, ngồi tĩnh tâm thiền nhẹ hoặc viết thư pháp cầu an trong các khu vực riêng biệt dành cho thiền sinh và khách tham quan. Bạn nên chọn thời điểm buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để tận hưởng không gian yên tĩnh.

Vào buổi tối, bạn không nên bỏ qua chương trình nhạc nước ánh sáng tại Quảng trường Đại Nhạn ngay trước cổng chùa - một trong những màn trình diễn âm thanh, ánh sáng ngoài trời lớn nhất châu Á.

  • Giờ mở cửa: 08:00 – 17:00
  • Giá vé: Phí vào cửa là 135.000 VNĐ/người, vé tham quan tháp là 85.000 VNĐ/người.

Tháp Đại Nhạn cổ kính tại Tây An Trung Quốc

Tháp Đại Nhạn cổ kính tại Tây An Trung Quốc

Khu phố Hồi giáo

Khu phố Hồi giáo (Muslim Quarter) là một trong những nơi sôi động và đậm bản sắc nhất tại Tây An, phản ánh rõ nét sự hòa quyện giữa văn hóa Hán - Hồi. Hình thành từ thời nhà Đường, khu vực này từng là nơi sinh sống của các thương nhân, học giả Hồi giáo theo con đường tơ lụa, tạo nên một cộng đồng người Hồi (Huizu) phát triển rực rỡ qua nhiều thế kỷ.

Dạo bước nơi đây, du khách sẽ thấy những con hẻm lát đá, mái ngói cong mang nét kiến trúc vô cùng độc đáo. Nổi bật trong số đó phải kể đến Đại giáo đường Tây An – một trong những nhà thờ Hồi giáo cổ nhất Trung Quốc.

  • Giờ mở cửa: cả ngày, nhộn nhịp nhất từ 17:00 – 22:00
  • Không mất vé vào cổng. Tuy nhiên nếu muốn tham quan Đại giáo đường Tây An, giá vé khoảng 50.000 - 85.000 VNĐ/người, miễn phí cho người theo Đạo Hồi.

Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây

Nếu ví Tây An là “viên ngọc cổ” thì Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây chính là trái tim lưu giữ tinh hoa ngàn năm của nền văn minh Trung Hoa. Được khánh thành năm 1991, bảo tàng sở hữu kiến trúc cung đình đời Đường đặc trưng, với mái ngói âm dương, cột trụ gỗ đỏ và không gian trưng bày hơn 10.000 m².

Với hơn 370.000 hiện vật quý giá từ thời đồ đá đến các triều đại Tần – Hán – Đường – Tống, nơi đây cho thấy rõ vai trò trung tâm chính trị, văn hóa suốt 13 triều đại đóng đô tại Thiểm Tây. Các hiện vật nổi bật gồm tranh tường đời Đường, tượng gốm ngựa và vũ nữ, đồ đồng Tây Chu, và nhiều vật phẩm cung đình tinh xảo.

Bảo tàng được phân chia theo chủ đề: lịch sử dân tộc, đời sống cung đình, tôn giáo, triết học và nghệ thuật. Các khu trải nghiệm hiện đại như AR, đèn ảnh động và khu thiếu nhi khiến hành trình khám phá thêm sinh động. Không chỉ là nơi trưng bày cổ vật, bảo tàng chính là “lớp học sống” giúp du khách hiểu sâu sắc về chiều dài văn hóa Trung Hoa.

  • Giờ mở cửa: 09:00 – 17:30 (thứ Ba đến Chủ nhật); đóng cửa thứ Hai hàng tuần
  • Giá vé: Miễn phí vé vào cửa nhưng lượng khách sẽ bị Bảo tàng giới hạn và điều chỉnh hàng ngày.

Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây uy nghi, cổ kính

Công viên Đường Đại Từ Ân & Quảng trường nhạc nước

Ngay phía nam Tháp Đại Nhạn, Công viên Đường Đại Từ Ân là nơi lý tưởng để tản bộ và cảm nhận không khí cung đình thời Đường giữa không gian mở thanh bình. Được thiết kế theo phong cách kiến trúc nhà Đường, công viên nổi bật với lối đi lát đá, hồ sen, cầu cong, tiểu đình và các khu tái hiện đời sống lịch sử, tạo nên không gian vừa cổ kính vừa gần gũi.

Liền kề công viên là Quảng trường nhạc nước Đại Nhạn Tháp – một trong những quảng trường nhạc nước lớn nhất châu Á. Mỗi tối, nơi đây diễn ra màn trình diễn kết hợp âm thanh, ánh sáng và hàng nghìn vòi phun nước hoành tráng. Nhạc nền cung đình phối khí hiện đại cùng ánh đèn và cột nước cao vút tạo nên khung cảnh mãn nhãn, đặc biệt khi bóng Tháp Đại Nhạn nổi bật giữa nền trời đêm.

  • Giờ hoạt động công viên: 08:00 – 21:30
  • Vé vào cửa: Công viên và quảng trường mở cửa miễn phí.

Trải nghiệm không thể bỏ lỡ chỉ có tại Tây An

Tây An không chỉ là thành phố của những di tích cổ, mà còn là nơi du khách có thể hóa thân, sống lại và hòa mình vào không gian lịch sử hàng nghìn năm trước. Dưới đây là những trải nghiệm “độc quyền” mà bạn khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác:

Đạp xe trên tường thành cổ Tây An

Tường thành Tây An là một trong những hệ thống thành lũy cổ được bảo tồn nguyên vẹn nhất Trung Quốc. Với chiều dài hơn 13 km, mặt thành rộng đến mức bạn có thể thoải mái đi dạo, đạp xe vòng quanh. Vào lúc sáng sớm hoặc hoàng hôn, khi gió nhẹ thổi qua những bức tường đá cổ kính và ánh sáng dịu dàng phủ lên các lầu gác mang đến một khung cảnh lãng mạn và hoài cổ không gì sánh bằng.

Trải nghiệm đạp xe và khám phá thành cổ Tây An

Trải nghiệm đạp xe và khám phá thành cổ Tây An

Mặc Hán phục và chụp ảnh trong khung cảnh cung đình

Tại các điểm như Cung điện Đường Đại Minh, Đại Từ Ân Tự, hay thậm chí cả trong công viên thành cổ, bạn có thể dễ dàng thuê Hán phục, trang điểm theo phong cách cổ trang và được hướng dẫn tạo dáng để chụp những bức ảnh đẹp như phim trường. Giá thuê Hán phục dao động từ 250.000 - 500.000 VNĐ/người tùy trang phục.

Trải nghiệm trang phục truyền thống tại Tây An, Trung Quốc

Trải nghiệm trang phục truyền thống tại Tây An, Trung Quốc. Ảnh: @zylnichole

Xem show Tần Thủy Hoàng hoặc trình diễn cổ trang

Tây An nổi tiếng với các show biểu diễn nghệ thuật lịch sử hoành tráng. Nổi bật nhất là "Trường Hận Ca” – kể về chuyện tình Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, trình diễn tại đồi Lâm Đồng dưới ánh trăng. Hoặc vở diễn "Đại Tần", tái hiện cảnh dựng nước của hoàng đế Tần Thủy Hoàng với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại. Giá vé từ 1.000.000 – 1.200.000 VNĐ/người, bạn nên đặt trước để có chỗ ngồi đẹp.

Show diễn Trường Hận Ca nổi tiếng

Show diễn Trường Hận Ca nổi tiếng

Tham gia lớp nặn tượng đất nung mini

Ngay tại khu vực gần Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, có những xưởng nhỏ mở lớp dạy nặn binh mã đất nung mini. Bạn sẽ được giới thiệu kỹ thuật cổ xưa và trực tiếp tạo ra một chiến binh thu nhỏ cho riêng mình – trải nghiệm mang tính giáo dục và cũng là món quà độc nhất vô nhị tại đây.

Tây An có gì? Du lịch Tây An nên mua gì làm quà?

Không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa nghìn năm, Tây An còn là nơi bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món quà lưu niệm đậm đà bản sắc Trung Hoa, từ truyền thống đến hiện đại. Dưới đây là những gợi ý quà tặng độc đáo cùng địa chỉ mua sắm đáng tin cậy:

Món quà lưu niệm Đặc điểm Giá tham khảo Địa điểm mua sắm

Tượng binh mã đất nung mini

Tái hiện chiến binh Binh Mã Dũng với nhiều dáng, màu sắc, chất liệu gốm hoặc đồng

30.000 – 200.000

Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Muslim Quarter

Tranh thư pháp & giấy cổ

Viết tay theo kiểu chữ đời Đường, in trên quạt, giấy gạo hoặc lụa

100.000 – 500.000

Chợ Yongxingfang, cửa hàng nghệ thuật phố cổ

Gia vị đặc sản Thiểm Tây (tương ớt, dấm đen)

Gia vị dùng trong mì Biang Biang, lẩu dê, hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn

50.000 – 120.000

Chợ Muslim Quarter, siêu thị nội địa

Bánh kẹp Rou Jia Mo đóng gói, mì Biang Biang

Các món ăn truyền thống được đóng gói sẵn, tiện mang về làm quà

80.000 – 180.000

Sân bay Tây An, các tiệm đặc sản trong phố

Trang phục hoặc phụ kiện Hán phục

Dành cho tín đồ văn hóa cổ trang, có cả loại cao cấp để mặc biểu diễn

300.000 – 2.000.000

Khu vực Tháp Đại Nhạn, Cung điện Đại Minh

Những mẹo hữu ích cho chuyến đi Tây An

Để có một chuyến đi trọn vẹn, bạn nên lưu ý một số mẹo nhỏ sau:

  • SIM 4G và ứng dụng cần thiết: SIM 4G Trung Quốc (China Unicom, China Mobile) có thể mua tại Việt Nam hoặc tại sân bay Tây An. Lựa chọn loại có sẵn VPN tích hợp nếu bạn cần dùng Google, Facebook…
  • App cần có: Pleco – từ điển Anh-Trung mạnh mẽ, hỗ trợ nhận diện chữ Hán. DiDi – ứng dụng gọi xe như Grab, giá rẻ và tiện hơn taxi truyền thống. Alipay hoặc WeChat Pay – phần mềm thanh toán tích hợp thẻ vô cùng tiện lợi.
  • Lưu ý tránh mùa cao điểm nội địa: Du lịch nội địa Trung Quốc sẽ cực kỳ đông đúc vào các kỳ nghỉ lễ lớn. Để tránh chen chúc, bạn không nên đi vào các thời điểm sau:
  • 1/5 – 5/5: Quốc tế Lao động (nghỉ lễ dài).
  • 1/10 – 7/10: Quốc khánh Trung Quốc (tuần lễ Vàng).
  • Tết Nguyên đán (cuối tháng 1 đến giữa tháng 2, tùy năm).

Tây An vẫn luôn là tọa độ cực hot trên bản đồ du lịch Trung Quốc. Mong rằng kinh nghiệm về vùng đất cố đô trên đây sẽ giúp bạn có thật nhiều thông tin hữu ích trong chuyến vi vu sắp tới. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm đi tự túc, tham khảo ngay tour Trung Quốc trọn gói khám phá Tây An - Lạc Dương cùng BestPrice Travel để có trải nghiệm trọn vẹn nhất.

Tác giả: Dung

Nguồn ảnh: Internet

Các bài viết cùng chuyên mục

Hỏi đáp