Số điện thoại hỗ trợ

phone 1900 2605

Top 15 địa điểm chơi Tết Nguyên Đán ở Hà Nội

38893 Views
Bạn đã bao giờ đón Tết tại thủ đô chưa? Cùng BestPrice khám phá top 5 địa điểm chơi Tết Nguyên Đán ở Hà Nội thú vị, độc đáo và mang đậm nét đẹp cổ truyền dân tộc dưới đây nhé!
Mục lục bài viết
  • 1. Điểm ngắm pháo hoa Tết Nguyên Đán ở Hà Nội
    • 1.1 Hồ Hoàn Kiếm
    • 1.2 Cầu Long Biên
    • 1.3 Vườn hoa Lạc Long Quân
    • 1.4 Sân vận động Mỹ Đình
    • 1.5 Các quán cà phê, nhà hàng trên cao
  • 2. Điểm đến lễ chùa đầu năm ở Hà Nội
    • 2.1 Chùa Trấn Quốc
    • 2.2 Phủ Tây Hồ
    • 2.3 Đền Ngọc Sơn
    • 2.4 Chùa Phúc Khánh
    • 2.5 Chùa Quán Sứ
  • 3. Những lễ hội đầu năm tại Hà Nội
    • 3.1 Lễ hội chùa Hương
    • 3.2 Lễ hội gò Đống Đa
    • 3.3 Lễ hội Cổ Loa
    • 3.4 Lễ hội Gióng
    • 3.5 Hội làng Triều Khúc

Điểm ngắm pháo hoa Tết Nguyên Đán ở Hà Nội

Hồ Hoàn Kiếm

Mặc dù có rất nhiều địa điểm tổ chức bắn pháo hoa cho người dân thủ đô nhưng hồ Hoàn Kiếm luôn là địa điểm chơi Tết Nguyên Đán ở Hà Nội đông vui và nhộn nhịp nhất. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về thì khu vực quanh hồ lại được khoác thêm màu áo lộng lẫy cờ hoa và không khí tưng bừng, rộn ràng hơn bao giờ hết. Còn gì tuyệt hơn khi được hòa mình vào dòng người đông đúc, cùng đếm ngược và chờ đón giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thiêng liêng nhất. Để chiêm ngưỡng trọn vẹn nhất những màn trình diễn pháo hoa rực rỡ thì bạn nên tranh thủ đi từ sớm và “xí phần” những vị trí có tầm nhìn đẹp nhất là khu vực ven hồ hoặc những con phố xung quanh như Tràng Thi, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hàng Đào,...

Địa điểm ngắm pháo hoa chơi Tết nguyên đán ở Hà Nội

Thưởng thức những màn pháo hoa rực rỡ chào đón năm mới

>> Tham khảo: Review top 12 khách sạn gần phố cổ Hà Nội giá rẻ

Cầu Long Biên

Là cây cầu nổi tiếng bắc qua dòng sông Hồng, nối liền hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên nên cầu Long Biên có rất nhiều lợi thế để ngắm pháo hoa mỗi dịp giao thừa. Nằm ở địa thế cao hơn tất thảy những điểm bắn pháo hoa tại thủ đô, xung quanh là sông nước nên từ đây bạn có thể thoải mái phóng tầm mắt thưởng thức những màn pháo hoa mãn nhãn từ khắp mọi phía mà không lo bị chắn tầm nhìn bởi những tòa cao ốc san sát thường thấy.

Vườn hoa Lạc Long Quân

Với không gian thoáng đãng, rộng rãi bên cạnh hồ Tây thơ mộng thì vườn hoa Lạc Long Quân hay nhiều người quen gọi là khu vực đôi rồng sứ cũng là điểm ngắm pháo hoa tại Hà Nội đẹp mắt. Mọi người thường tập trung tại đây từ rất sớm, ai cũng muốn có vị trí tốt nhất để ngắm nhìn khoảnh khắc chào đón năm mới trên bầu trời nên tại đây cũng khá đông đúc. Bạn có thể di chuyển dọc theo cung đường ven hồ Tây cũng có nhiều địa điểm đẹp như bến Nhật Bản, bến Hàn Quốc, đường Yên Phụ, các khách sạn Hà Nội cao cấp hay những quán cà phê quanh đó có tầm nhìn thoáng cũng là lựa chọn không tồi.

Sân vận động Mỹ Đình

Với những bạn ở xa phố cổ Hà Nội nhưng vẫn muốn tìm cho mình địa điểm vui chơi Tết Nguyên Đán và đắm chìm vào khung cảnh bầu trời đêm rực rỡ sắc màu pháo hoa giao thừa thì đừng quên sân vận động Mỹ Đình nhé. Đây cũng là một trong các điểm bắn pháo hoa tầm cao tại Hà Nội rất đáng trải nghiệm đó. Nằm ở ven đô nên nơi đây có không gian rộng lớn, thưa dân và ít tòa nhà chọc trời hơn chính là những điều kiện tốt nhất để bạn chiêm ngưỡng.

Các quán cà phê, nhà hàng trên cao

Thay vì phải chen lấn, xô đẩy trong dòng người nườm nượp đổ về bờ Hồ hay tìm kiếm những vị trí tuyệt đẹp khắp các con phố Hà Nội để có thể nắm tay “người thương” chúc mừng khoảnh khắc giao thừa tuyệt vời thì một ý tưởng thú vị cho bạn chính là hãy lựa chọn các quán cà phê, nhà hàng có tầm nhìn từ trên cao. Tại đây bạn vừa có không gian lãng mạn, lung linh nến và hoa vừa được thưởng thức đồ ăn, thức uống ngon miệng và ngắm nhìn những màn pháo hoa sáng rực trên nền trời đêm không sợ ai làm phiền. Và dĩ nhiên số tiền bạn phải trả sẽ tương xứng với chất lượng dịch vụ mà bạn được tận hưởng, và những địa điểm này chắc chắn không hề bình dân chút nào. Một số quán cà phê và nhà hàng có vị trí đẹp nhất thủ đô để bạn lựa chọn là Summit Lounge, Skyline Hanoi, Avalon Cafe Lounge, Serein Cafe & Lounge, The Rooftop Hanoi, Grill 63, Hàm Cá Mập, Cầu Gỗ Vietnamese Cuisine,...

Địa điểm đón Tết Nguyên Đán ở Hà Nội tuyệt vời từ trên cao

Chào đón khoảnh khắc giao thừa trên những quán cafe, nhà hàng sang chảnh (@duongg_ng)

Điểm đến lễ chùa đầu năm ở Hà Nội

Chùa Trấn Quốc

Chắc hẳn không ai tới thủ đô Hà Nội mà chưa nghe tới cái tên chùa Trấn Quốc - ngôi cổ tự có tuổi đời hơn 1500 năm và được xem là địa điểm linh thiêng nổi tiếng bậc nhất thủ đô. Chùa Trấn Quốc là một công trình Phật giáo tiêu biểu của phái Bắc tông với nét kiến trúc hài hòa giữa sự uy nghi, cổ kính và cảnh quan thanh nhã của vườn tháp giữa hồ nước mênh mông. Chùa là nơi lưu giữ rất nhiều báu vật của nhà Phật như bộ tượng thờ ở thượng điện được đánh giá là những bức tượng Niết bàn đẹp nhất Việt Nam, nhiều bia đá cổ là chứng tích lịch sử quan trọng của dân tộc hay cây bồ đề khổng lồ gần 60 năm tuổi do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống tại Việt Nam. Cùng với vị trí đắc địa ven hồ Tây nên ngôi chùa không chỉ thu hút khách phương xa tới dâng lễ cầu bình an mà còn là địa điểm chơi Tết Nguyên Đán ở Hà Nội yên bình, thanh tịnh mỗi mùa xuân về.

Phủ Tây Hồ

Không chỉ Tết nguyên đán mà vào những ngày rằm, mùng 1 thì Phật tử từ khắp nơi kéo về phủ Tây Hồ cầu nguyện và lễ bái rất đông đúc. Phủ Tây Hồ là nơi thờ chúa Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của văn hóa Việt xưa đồng thời cũng là vị thánh cao nhất của tín ngưỡng tứ phủ độc đáo tại Việt Nam. Vậy đi lễ phủ Tây Hồ cầu gì? Thông thường mọi người tới đây để cầu may và cầu tài lộc, tuy nhiên bạn vẫn có thể khấn xin bất cứ điều gì mình mong muốn cho năm mới bình an tốt đẹp.

Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội thì mỗi ngày Tết nơi đây sẽ đón tiếp hàng ngàn lượt khách ghé thăm đặc biệt là từ ngày mồng 1 tới 3 Tết Nguyên Đán, trong đó khoảng thời gian 10:00 - 16:00 là đông đúc nhất. Bạn có thể sắp xếp tới tham quan phủ Tây Hồ vào các khung giờ khác trong lịch mở cửa từ 5h sáng tới 7 giờ tối hàng ngày để không phải chờ đợi quá lâu nhé!

Địa điểm đi chơi Tết Nguyên Đán ở Hà Nội cầu may

Du xuân lễ chùa đầu năm cầu bình an và may mắn

Đền Ngọc Sơn

Nằm ngay trong khu vực hồ Hoàn Kiếm nên đền Ngọc Sơn vừa là điểm ngắm pháo hoa giao thừa lý tưởng vừa là chốn linh thiêng để gửi gắm ước nguyện đầu xuân. Đền Ngọc Sơn là quần thể kiến trúc bao gồm Đài Nghiên, cầu Thê Húc cong cong dẫn vào khu đền thờ, Đắc Nguyệt lầu và trấn Ba Đình. Đền không thờ Phật mà chỉ thờ Văn Xương Đế Quân - một vị đạo sĩ học rộng tài cao của người Việt nên dịp đầu năm thu hút đông đảo du khách đến cầu mong một năm đỗ đạt và trí tuệ thông minh. Trải qua bao thăng trầm thời gian thì hồ Hoàn Kiếm cùng với đền Ngọc Sơn vẫn là biểu tượng cho không gian, kiến trúc đáng tự hào của người dân kinh kì ngàn năm văn hiến.

Chùa Phúc Khánh

Nhắc tới ngôi chùa linh thiêng ở Hà Nội mà bỏ quên chùa Phúc Khánh là thiếu sót lớn. Chùa nằm tại khu vực ngã tư Sở, đầu phố Tây Sơn nên người dân còn quen gọi tên khác là chùa Sở hay chùa Thịnh Quang. Chùa Phúc Khánh được xây dựng theo kiến trúc truyền thống nhà Phật, tiêu biểu cho văn hóa Á Đông với tam quan mở ba cửa vòm, cửa giữa là cửa lớn nhất dẫn vào phía sau là sân chùa và Phật điện. Nếu bạn là khách du lịch lần đầu đặt tour Hà Nội thì chắc hẳn sẽ choáng với hình ảnh “biển người” xếp hàng dài để tham dự “Đại lễ cầu an cả năm cho mọi gia đình” vào ngày 8, 14, 15 và 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Chùa Quán Sứ

Tọa lạc tại phố Quán Sứ giữa lòng thủ đô, chùa Quán sứ cũng là một trong những ngôi chùa cổ linh thiêng và nơi đây còn được biết tới là trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỉ 15 thời vua Lê Thế Tông, ban đầu chỉ là nơi tiếp đón sứ thần các nước tới Thăng Long nhưng vì các nước này đều sùng bái đạo Phật nên nhà vua đã cho xây dựng thêm ngôi chùa này để họ tiện hành lễ. Sau nhiều lần tu sửa và nâng cấp thì cho tới ngày nay chùa vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ kính, đặc biệt là các câu đối hai bên tam quan được tạc bằng chữ quốc ngữ - một điểm riêng biệt mà rất hiếm ngôi chùa nào ở Việt Nam có được. Mỗi dịp đầu xuân năm mới có rất đông người dân và Phật tử sắm sửa lễ vật về đây để cầu mong cho bản thân và gia đình nhiều sức khỏe, may mắn.

Những lễ hội đầu năm tại Hà Nội

Lễ hội chùa Hương

Diễn ra tại quần thể di tích - danh thắng chùa Hương thuộc địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội từ ngày 6 tháng Giêng tới hết tháng 3 âm lịch nên lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội đông và kéo dài nhất cả nước. Chùa Hương là điểm đến tâm linh vô cùng thiêng liêng và nổi tiếng trong việc cầu an và cầu tự nên Tết đến xuân về cũng là lúc hàng triệu Phật tử từ khắp mọi miền nô nức kéo nhau về trẩy hội, cầu mong cho một năm mới bình an, may mắn và thật nhiều sức khỏe, thậm chí nhiều người từ miền Nam cũng không quản ngại đặt vé máy bay đi Hà Nội để chiêm bái lễ hội chùa Hương. Ngoài lễ chùa thì các hoạt động văn hoá thể thao xung quanh khu vực diễn ra hội làng sôi nổi như hát quan họ, hát tuồng cùng các cuộc so tài môn cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà… cũng thu hút khá đông du khách thập phương tham dự.

Chùa Hương là địa điểm đi chơi Tết Nguyên Đán của người dân Hà Nội

Lễ hội chùa Hương đông đúc, nhộn nhịp dịp đầu năm

Lễ hội gò Đống Đa

Lễ hội gò Đống Đa được tổ chức vào ngày 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Hà Nội để kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn và tưởng nhớ công tích lẫy lừng của vua Quang Trung. Đây là lễ hội truyền thống và địa điểm chơi Tết nguyên đán lâu đời ở Hà Nội trong suốt hơn 200 năm qua. Lễ hội gò Đống Đa cũng bao gồm phần lễ và phần hội như nhiều lễ hội dân gian Việt Nam khác. Đúng 8h sáng thì đoàn rước bao gồm thanh niên các làng: Khương Thượng, Thịnh Hào… mặc lễ phục hội, đi sau là cơ, biểu, lộng kiệu,… và cuối đoàn rước là hình tượng “con rồng lửa” kết bằng rơm từ đình làng Khương Thượng về gò Đống Đa như tái hiện khí thế oai hùng của đoàn quân Tây Sơn xưa. Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước. Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian vui khỏe, đua tài, đua trí như: Múa rồng, múa lân, đấu vật, chơi cờ, chọi gà…

Lễ hội Cổ Loa

Mỗi dịp Tết nguyên đán hằng năm người dân Cổ Loa lại nô nức mở hội mừng năm mới và tưởng nhớ Thục phán An Dương Vương - vị vua có công dựng nên nước Âu Lạc từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Lễ hội kéo dài từ sáng sớm ngày 6 tới hết 18 tháng Giêng âm lịch với vô vàn hoạt động hấp dẫn và thu hút du khách như lễ rước, đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng, hát quan họ cùng rất nhiều trò chơi dân gian đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt,… Tham dự lễ hội bạn còn được hòa mình vào đám rước thần uy nghiêm ở Cổ Loa có sự tham gia của “Bát Xã” là tám làng gồm Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép cùng thờ chung vị vua An Dương Vương và tìm hiểu truyền thuyết An Dương Vương - Mị Châu - Trọng Thủy. Chỉ cách trung tâm khoảng 20km nên đây cũng được coi là địa điểm chơi Tết Nguyên đán ở Hà Nội hấp dẫn và thú vị.

Lễ hội Gióng

Chắc hẳn không người dân Việt Nam nào xa lạ với Thánh Gióng - vị anh hùng giải phóng dân tộc trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam và vẫn thường xuất hiện trong câu chuyện của các bà, các mẹ. Lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại bởi giá trị văn hóa được bảo tồn, lưu truyền toàn vẹn qua nhiều thế hệ cùng với vai trò gắn kết cộng đồng và chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo, mang tính duy mĩ cao của các đám rước, các hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, diễn xướng dân gian, múa hát ải lao, múa hổ… vô cùng độc đáo. Lễ hội Gióng được tổ chức ở rất nhiều địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng tiêu biểu nhất là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) từ ngày 6-8 tháng Giêng âm lịch với hình ảnh mô phỏng sinh động diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang trong cuộc chiến chống giặc Ân. Nếu bạn chưa biết đi du lịch Hà Nội mùa nào đẹp nhất trong năm thì đây chính là thời điểm lý tưởng nhất để trải nghiệm vẻ đẹp yên bình và cổ kính của thủ đô văn hiến.

Hội làng Triều Khúc

Làng Triều Khúc là một trong những ngôi làng cổ xưa mang đậm nét đẹp truyền thống Bắc Bộ giữa lòng thủ đô. Mỗi dịp Tết nguyên đán người dân nơi đây lại háo hức chờ đón lễ hội tại Đại đình để tưởng nhớ công ơn của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - người anh hùng phát động cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc. Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn được duy trì nên đây được coi là địa điểm chơi Tết nguyên đán ở Hà Nội đáng trải nghiệm dành cho người dân thủ đô, đặc biệt là điệu múa trống bồng do trai làng đóng giả làm con gái, đánh phấn tô son và mặc váy sặc sỡ biểu diễn một cách nhí nhảnh, duyên dáng. Tương truyền, điệu múa này được Bố Cái Đại Vương cho binh lính đóng giả làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng để khích lệ tinh thần tướng sĩ và giúp thư giãn, giải trí cho nghĩa quân. Ngoài ra, hội làng Triều Khúc còn có nhiều hoạt động dân gian đặc sắc như rước kiệu, múa chạy cờ tái hiện lại hào khí năm xưa của nghĩa quân Phùng Hưng thao luyện binh mã trước ngày ra trận.

Mùa xuân Hà Nội có vô vàn hoạt động để bạn khám phá nhưng BestPrice tin rằng top 5 địa điểm chơi Tết Nguyên Đán ở Hà Nội trên đây sẽ giúp bạn chào đón năm mới may mắn và hạnh phúc nhất.

Hoài Linh

Nguồn ảnh: Internet & Instagram

38893 Views

Các bài viết cùng chuyên mục

Hỏi đáp