Số điện thoại hỗ trợ

phone 1900 2605

Lưu ngay các loại bánh đặc sản Hà Nội ăn là 'ghiền'

6747 Views
Bạn đã biết các loại bánh đặc sản của vùng đất thủ đô Hà Nội chưa? Những loại bánh sau đây chỉ cần thử qua 1 lần thôi chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ mãi.
Mục lục bài viết
  • 1. Bánh tôm Hồ Tây
  • 2. Bánh cốm Nguyên Ninh
  • 3. Bánh cuốn Thanh Trì
  • 4. Bánh trôi, Bánh chay Hà Nội
  • 5. Bánh khúc Hà Nội
  • 6. Bánh đúc Hà Nội
  • 7. Bánh chè lam Thạch Xá
  • 8. Bánh gai làng Giá
  • 9. Bánh chả
  • 10. Bánh chưng Tranh Khúc

Bánh tôm Hồ Tây

Bánh ngon ở Hà Nội thì hầu hết ai ai cũng nghĩ ngay đến bánh tôm Hồ Tây. Bánh tôm Hồ Tây hay bánh tôm Cổ Ngư đã xuất hiện tại Hà Nội từ rất lâu rồi, cũng không ai biết chính xác thời gian nhưng khoảng thời gian những năm 30 đã thấy một số hàng quán nhỏ bán loại bánh này. Bánh được phục vụ tại một nhà hàng lớn nằm cạnh Hồ Tây cùng không gian thoáng mát, rộng rãi.

Nguyên liệu của bánh tôm bao gồm bột mì, bột năng và tôm nước ngọt tươi ngon. Bột bánh tôm chiên lên vàng giòn với bột được trộn cùng trứng vịt. Tôm đều được chọn lựa rất kỹ, là những con tôm nuôi tại hồ hoặc những con tôm ở nơi khác nhưng có vị ngon thịt mềm không khác tôm nuôi hồ Tây. Chiếc bánh tôm vàng giòn ăn kèm với nước chấm pha chua ngọt cùng rau sống được lựa chọn kĩ lưỡng thì là chuẩn vị. Ngoài ra, bạn có thể ăn bánh tôm cùng 1 chút bún rối, uống thêm cốc bia nhâm nhi cùng bạn bè.

Địa chỉ tham khảo:

  • Nhà hàng bánh tôm hồ Tây: Số 1 Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội
  • Quán bánh tôm, há cảo chiên: vỉa hè số nhà 55 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Bánh tôm số 25 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bánh tôm Hồ Tây

Bánh tôm Hồ Tây (Nguồn ảnh: @hichiko_nguyen)

Bánh cốm Nguyên Ninh

Đi du lịch Hà Nội thì mua gì về làm quà? Món quà mà nhiều người chọn lựa cho chuyến tham quan thủ đô đó là bánh cốm Nguyên Ninh được làm từ đặc sản cốm nổi tiếng của Hà Nội. Thực tế, không phải chỉ Hà Nội mới có cốm nhưng chỉ có bánh cốm tại Hà Nội mới là ngon và hương vị đặc trưng nhất. Từ năm 1865, bánh cốm đã có mặt tại Hà Nội hấp dẫn các thực khách.

Bánh cốm không chỉ thơm vị cốm mà còn ngon bùi từ đậu xanh nguyên chất. Ngoài ra, bánh cốm còn mang một ý nghĩa sâu sắc: bánh hình vuông tượng trưng cho đất, màu xanh hương vị đồng nội, nhân dừa đậu xanh tượng trưng cho tình cảm ngọt ngào của người dân xứ Thành. Tên bánh cốm cũng là một ý nghĩa đặc biệt: mang sự vẹn nguyên từ nguồn gốc làng Yên Ninh, tổng Yên Thành, ngoại thành Hà Nội.

Địa chỉ tham khảo: Hiện nay bánh cốm Nguyên Ninh chỉ bán duy nhất tại địa chỉ nhà số 11, Hàng Than, Hà Nội.

Bánh cốm Nguyên Ninh

Bánh cốm Nguyên Ninh (Nguồn ảnh: @nhunhudoraemon)

Bánh cuốn Thanh Trì

Bánh cuốn là món ăn khá quen thuộc đối với người dân Việt Nam, đặc biệt đối với người Hà Nội thì đó là bánh cuốn Thanh Trì. Theo người dân Hà thành kể lại, không ai biết chắc chắn rằng bánh cuốn của làng cổ Thanh Trì trở thành món ăn đặc biệt từ khi nào. Nhưng cũng có người cho rằng đặc sản Hà Nội này có từ thời Lý.

Với các nguyên liệu như gạo, mỡ phi hành, nhân thịt trộn nấm hương với mộc nhĩ, bánh cuốn Thanh Trì có cách làm không cầu kỳ nhưng để lại ấn tượng sâu sắc với thực khách bởi sự hòa quyện của tất cả các nguyên liệu. Ngoài ra, bánh cuốn Thanh Trì có cả loại không nhân hoặc nhân tôm giã bông cho thực khách lựa chọn. Nước chấm pha loãng cùng chút dấm, tỏi, ớt và hạt tiêu rất thơm. Thêm một đĩa rau sống ăn kèm đúng khiến con người ta không thể quên.

Địa chỉ tham khảo:

Bánh cuốn bà Hoành: Số 66 Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Bánh cuốn Thanh Trì

Bánh cuốn Thanh Trì (Nguồn ảnh: @__jayy.k__)

Bánh trôi, Bánh chay Hà Nội

Hằng năm, vào những ngày Tết Hàn Thực 3/3 truyền thống, người dân nước ta thường sắm sửa bánh trôi, bánh chay dâng lên cúng lễ tổ tiên hoặc tự tay làm 2 loại bánh này. Bánh trôi hay bánh chay đều là 2 loại bánh được nấu để nguội, du khách mua về có thể để được trong ngày mà bánh vẫn đảm bảo còn nguyên hương vị.

Bánh chay và bánh trôi có vỏ bánh giống nhau, đều nặn từ bột gạo trắng tinh, thơm dẻo sau khi đun chín. Tuy nhiên bên trong lại có sự khác biệt về nhân bánh. Nhân bánh trôi là nhân đường đỏ hoặc viên mật ngọt. Còn bánh chay có hình tròn lớn hơn ăn cùng nhân đỗ xanh và nước bột sắn dây sánh quyện.

Chỉ cần đi dọc theo các con phố Tây Hồ, Quán Thánh, Hàng Điếu, Hàng Bè… là bạn có thể bắt gặp nhiều hàng quán bán bánh trôi, bánh chay với giá chỉ từ 10.000 VNĐ. Bạn cũng có thể ghé qua các chợ truyền thống như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Nghĩa Tân... để mua về làm quà sau khi kết thúc tour du lịch Hà Nội.

Địa chỉ tham khảo:

  • Bánh trôi bánh chay Thụy Khuê: Số 561 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
  • Chè Mười Sáu Ngô Thì Nhậm: Số 16 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bánh trôi, bánh chay Hà Nội

(Nguồn ảnh: @yeu_mabu)

Bánh khúc Hà Nội

Bánh khúc là món ăn dân giã, quen thuộc với người dân Hà Nội từ rất lâu rồi, cũng không ai nhớ rõ loại bánh này xuất hiện khi nào. Đặc biệt phải kể đến bánh khúc làng Hoàng Mai được hấp trong lò nung đất không phải lò hơi như bình thường. Do đó, bánh chín kĩ, các nguyên liệu hoà quyện vào nhau.

Loại bánh này thơm ngon bởi độ ngậy của nhân đậu xanh thịt mỡ, vỏ bánh thơm lừng vị rau khúc cùng độ dẻo của gạo tẻ và gạo nếp. Người bán bánh khúc sẽ gói kèm cho bạn một chút lạc muối vừng rang ăn cùng. Không quán hàng xa xỉ, bạn dễ dàng nghe thấy được tiếng rao: “Ai bánh khúc đê!” vang lên trên các con phố khi đang nghỉ ngơi tại khách sạn Hà Nội.

Địa chỉ tham khảo: Bánh Khúc Cô Lan - 69B Nguyễn Công Trứ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Bánh khúc Hà Nội

Bánh khúc Hà Nội (Nguồn ảnh: @izu_mocuaso)

Bánh đúc Hà Nội

Tiếp theo, món bánh ngon mà BestPrice gợi ý cho bạn đó là bánh đúc Hà Nội. Đây là món ăn có chi phí rẻ mà hầu hết ai cũng đều có thể ăn một cách ngon miệng. Từ thời bao cấp, bánh đúc đã xuất hiện như là món ăn hằng ngày đối với người dân xứ Hà thành.

Bánh đúc có nhiều loại từ bánh đúc lạc, bánh đúc dừa, bánh đúc chay, bánh đúc om chua hoặc món bánh đúc đang rất nổi tiếng trong giới trẻ là bánh đúc nóng thịt mộc nhĩ. Tuỳ loại bánh đúc mà có độ dẻo, độ quánh khác nhau nhưng nấu theo cách nào thì bánh đúc đều mang lại cảm giác bình dị, gần gũi nhất đối với người thưởng thức. Vào những ngày thời tiết Hà Nội gió mát hoặc mưa lạnh thì ăn bánh đúc là lựa chọn rất lý tưởng.

Địa chỉ tham khảo:

  • Bánh đúc nóng – Chợ Châu Long, số 45 Châu Long, Ba Đình, Hà Nội ( 15h -18h) (12k)
  • Bánh Đúc Bà Nga - đầu ngõ 29 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội

Bánh đúc Hà Nội

Bánh đúc Hà Nội (Nguồn ảnh: @eatwithbird)

Bánh chè lam Thạch Xá

Nổi tiếng là đặc sản xứ Đoài, bánh chè lam tiếp tục là một trong những loại bánh đặc sản Hà Nội được nhiều du khách lựa chọn làm quà đem về. Bánh chè lam có nguồn gốc từ xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Không giống với những món bánh chè lam ở vùng khác, chè lam Thạch Xá phải chọn giống nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung, rang thóc đều tay để đạt tới độ nở nhất định sau đó đi nghiền thành bột nấu cùng đường kính hoặc mật cây mía. Chè lam phải có độ thơm nhất định, không bị cháy, kéo ra được thành mảnh và sáng mịn.

Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội, bạn có thể tham quan thắng cảnh chùa Tây Phương tại huyện Thạch Thất, Hà Nội sau đó thưởng thức bánh chè làm tại chùa Tây Phương hoặc các quán nước, các quầy hàng gần chùa Thầy và làng cổ Đường Lâm… Bánh chè lam sẽ càng trở nên đậm vị hơn khi bạn nhâm nhi cùng tách trà thanh mát.

Địa chỉ tham khảo:

  • Bánh chè lam Chùa Thầy: 12B08A, Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
  • Chè Lam Bảo Minh: 12 Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội

Bánh chè lam Thạch Xá

Bánh chè lam Thạch Xá

Bánh gai làng Giá

Mọi người thường nghe đến bánh gai Hải Dương nhưng bánh gai làng Giá tại Hà Nội cũng thơm ngon không thua kém. Bánh gai luôn là sự lựa chọn trong dịp Tết cổ truyền dân tộc Việt. Là đặc sản Hà Nội có nguồn gốc từ xã Yên Sở Hoài Đức, Hà Nội, bánh gai làng Giá được rất nhiều du khách sau khi đã thưởng thức phải trầm trồ khen ngợi.

Bánh gai được người dân làng Giá khéo léo gói lên từ nguyên liệu bột nếp, lá cây gai, đỗ xanh, cùi dừa, đường và vừng. Vỏ bánh là lá chuối có màu nâu, toát lên vẻ bình dị mà bạn có thể thêm vào danh sách món ngon hấp dẫn ở Hà Nội cho riêng mình.

Ngoài xã Yên Sở, bạn có thể tham khảo các địa chỉ bán bánh gai khác nổi tiếng tại thành phố Hà Nội như:

  • Bánh gai Tiến Vua: số 170 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.
  • Bánh gai Bà Minh: số 210 Quang Trung, Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội

Bánh gai làng Giá

Bánh gai làng Giá (Nguồn ảnh: @dacsannghean.sg)

Bánh chả

Với những bạn ở nơi xa đã đặt vé máy bay Hà Nội thì hãy nhớ đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức bánh chả béo ngậy nhé. Mỗi chiếc bánh chả đều có hình dạng bé bé, vừa miệng ăn, bên trong bánh là nhân mỡ béo ngậy cùng một chút lá chanh sợi. Vỏ bánh làm từ bột mì nhào kỹ cuốn lại và nướng lên vàng thơm nức mũi. Mách nhỏ là bạn thử trải nghiệm ăn bánh chả uống cùng ly trà ấm nhé, sẽ rất thú vị đấy!

Địa chỉ tham khảo:

  • Bánh chả Bảo Phương: 183 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
  • Bánh chả Ninh Hương: 22 Hàng Điếu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Bánh chả

Bánh chả (Nguồn ảnh: @bungleuleu)

Bánh chưng Tranh Khúc

Món bánh đặc sản cuối cùng mà BestPrice gợi ý cho chuyến đi Hà Nội của bạn đó là bánh chưng Tranh Khúc. Bánh chưng Tranh Khúc được nhiều nhà dân làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội truyền nghề làm từ hơn 40 năm trước. Nguyên liệu của bánh chưng Tranh Khúc được chọn lựa kỹ càng: gạo nếp quýt đỏ nhập từ Hải Dương, thịt lợn vai tươi, đậu xanh quê hạt to được bỏ vỏ. Đặc biệt, người dân tại làng Tranh Khúc chọn luộc bánh bằng nồi điện nên bánh có độ chín từ trong ra ngoài, cực kỳ thơm ngon.

Bánh chưng Tranh Khúc

Bánh chưng Tranh Khúc (Nguồn ảnh: @banhbao_bingo)

Như vậy, tour khám phá ẩm thực thủ đô của bạn chắc chắn sẽ trở nên phong phú hơn khi tham khảo top 10 loại bánh đặc sản Hà Nội ăn là ‘ghiền’. Cùng đặt combo du lịch Hà Nội qua sự trợ giúp của BestPrice để thưởng thức các món ăn một cách trọn vẹn nhất nhé.

Cuc Hoa

Nguồn ảnh:Internet & Instagram

6747 Views

Các bài viết cùng chuyên mục

Hỏi đáp