Tonlé Sap hay Biển hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997. Tonlé Sap có nghĩa là "sông nước ngọt lớn" nhưng thông thường được dịch là "Hồ Lớn" trong các ngôn ngữ khác; "Biển Hồ" là cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước này khiến không thấy bến bờ.
Trong suốt thời gian quanh năm, hồ này khá hẹp và nông (cạn), sâu chỉ 1 m và diện tích 2.700 km2. Vào mùa nước nổi từ tháng 8 tới tháng 11, sông Tonle Sap đưa nước sông Mêkong vào làm cho lượng nước của hồ dâng lên và có diện tích 16.000 km2, sâu có nơi lên đến 9 m, làm ngập lụt các cánh đồng và cánh rừng xung quanh. Hồ là nơi sinh sôi lý tưởng của nhiều lòai cá nước ngọt. Hồ Tonle Sap là một trong những hồ nước ngọt có hệ sinh thái đa dạng và có sản lượng cá lớn nhất thế giới, nuôi sống 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt và 60% lượng chất đạm (protein) cho dân Campuchia.
Hồ này cũng là nơi điều tiết lượng nước quan trọng cho vùng hạ lưu sông Mêkong. Nhờ Hồ Tonle Sap, lượng nước sông Cửu Long ở Đồng bằng sông Cửu Long được điều tiết vào mùa mưa (hạn chế lũ lụt) và mùa khô (cấp bổ sung nước) hợp lý. Hồ này được hình thành khoảng 5500 năm trước Công Nguyên do sự va chạm của tiểu lục địa Ấn Độ với châu Á. Ngư dân sinh sống trên Biển Hồ hiện nay cũng là một nét đặc biệt vì đa số là người Việt Nam, di cư đến đây khoảng từ nửa đầu thế kỷ 20, hầu hết có cuộc sống vất vả và thất học. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, chỉ trông chờ vào đánh bắt thủy sản với công cụ thô sơ chỉ đủ để nuôi sống họ một cách tạm bợ.
Người dân sống trên những nhà bè nổi trên mặt nước, khi nước lên họ theo dòng nước để di chuyển vào sát bờ gần với thị xã Siem Reap, khi nước rút họ cũng theo con nước di chuyển ra xa, có khi tới 2km. Cuộc sống của họ cũng tập trung theo kiểu làng xã tạo nên một làng nổi rất thu hút du khách phương Tây bởi nét độc đáo của nó. Cuộc sống tại làng nổi khá tấp nập với những chiếc thuyền buôn chở mọi loại vật phẩm đến bán cho từng nhà, di chuyển giữa các “con phố” quanh co. Hiện nay dịch vụ tại Biển Hồ đang từng bước phát triển, các tổ chức nhân đạo quyên góp tiền xây dựng trường học và nhà thờ, chùa. Có một số nhà tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái quy mô nhỏ, với các đặc sản tươi sống phục vụ giữa lòng Biển Hồ. Rất nhiều thuyền máy gọi là “thuyền buýt” được cho thuê để đưa du khách ra phía xa của Biển Hồ ngắm nhìn nơi mà trời đất mênh mông gặp nhau, bao quanh bởi màu xanh tươi tốt của cây cối và những trang trại nổi bềnh bồng. Đây là một tour rất hút khách của Biển Hồ.