Số điện thoại hỗ trợ

1900 2605

Kinh đô cổ trong lòng Huế mộng mơ

7268 Views
Nằm dọc hai bên bờ Hương Giang xinh đẹp, quần thể di tích Cố Đô Huế mang trong mình vẻ đẹp hùng tráng, nhưng lại rất trữ tình của thành phố Huế mộng mơ.  

Nói đến đi du lịch tại Huế, người ta thường nghĩ ngay đến sông Hương, núi Ngự và các cung điện vàng son, đền đài, lăng tẩm nguy nga tráng lệ và sẽ là thiếu sót trầm trọng nếu bỏ qua quần thể di tích nơi đây. Quần thể di tích Cố Đô Huế bao gồm những công trình văn hóa – lịch sử được triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng từ thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20 trên kinh đô Huế, nay thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận. Ngày 11 tháng 12 năm 1993, UNESCO công nhận quần thể di tích Cố Đô Huế là Di sản Văn hóa Thế giới.

Toàn cảnh kinh đô Huế

Toàn cảnh kinh đô Huế

Trải qua bao thăng trầm biến cố của thời gian nhưng kinh đô Huế vẫn mang trong mình nét uy nghiêm vốn có của nó. Được tọa lạc giữa lòng thành phố Huế, với hệ thống thành quách có thể nói là độc nhất vô nhị, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc với thiên nhiên kì thú nơi đây. Sự kết hợp này khéo léo đến mức người ta mặc nhiên coi những cảnh quan nơi đây là những bộ phận chẳng thể tách rời của kinh đô Huế. Dòng Hương Giang chảy nhẹ nhàng chậm rãi bao quanh lấy thành quách, lăng tẩm nơi đây như chẳng muốn rời xa. Tất cả, mang trong mình những nét đẹp riêng, để rồi lại hòa quyện vào nhau như chưa bao giờ là riêng biệt.

Tổng thể kiến trúc của Cố Đô Huế được xây dựng trên mặt bằng rộng 500ha, được bao quanh bởi ba vòng thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành.

Kinh thành Huế

Được xây dựng từ năm 1805 và hoàn thiện vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Kinh thành Huế bao gồm các di tích: Kỳ Đài Trường, Quốc Tử giám, Điện Long An, Bảo tàng Mỹ thuật Cung Đình Huế, Đình Phú Xuân, Hồ Tịnh Tâm, Tàng thư lầu,...

Kinh thành Huế

Kinh thành Huế

Hoàng thành

Nằm bên trong kinh thành, với bốn cổng ra vào và trong đó kiến trúc độc đáo nhất là Ngọ Môn thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô. Có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành. Hoàng thành và Tử Cấm Thành được gọi chung là đại nội bên trong kinh thành. Các di tích bên trong Hoàng thành gồm có: Ngọ Môn; Điện Thái Hoà và sân Đại Triều Nghi; Triệu Tổ Miếu; Hưng Tổ Miếu; Thế Tổ Miếu; Thái Tổ Miếu; Cung Diên Thọ; Cung Trường Sanh; Hiển Lâm Các; Cửu Đỉnh; Điện Phụng Tiên.

Cổng Ngọ Môn

Cổng Ngọ Môn

Tử Cấm Thành

Nguyên được gọi là Cung thành là vòng tường thành thứ ba của kinh đô Huế, đây là nơi ăn ở, sinh hoạt và làm việc của vua và hoàng tộc. Các di tích trong Tử Cấm Thành bao gồm: Tả Vu và Hữu Vu, Vạc Đồng, Điện Kiến Trung, Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu và Duyệt Thị Đường.

Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành

Ngoài ra, quần thể di tích Cố Đô Huế còn bao gồm khu di tích bên ngoài kinh thành bao gồm: lăng tẩm của các đời vua triều Nguyễn và các di tích khác như Trấn Bình đài, Phu Văn Lâu, Tòa Thương Bạc,...

Ngày nay, Huế đang phấn đấu để thành phố Festival tổ chức hai năm một lần. Có thể nói, Huế là thành phố bảo tồn được kinh đô của triều đại phong kiến còn nguyên vẹn nhất cho đến hiện nay. Đi cùng với đó là di sản văn hóa phi vật thể Nhã nhạc Cung đình không thể bỏ qua khi đến nơi đây.

Mang trong mình những tinh hoa của dân tộc, Huế xứng đáng là một trong những di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới. Huế mãi mãi là niềm tự hào của con người Việt Nam.

Hoàng Lý

Ảnh: Nguồn internet

7268 Views

Các bài viết cùng chuyên mục

Hỏi đáp