Số điện thoại hỗ trợ

1900 2605

Chùa Bút Tháp

Bút Tháp là một trong những ngôi chùa cổ và có kiến trúc độc đáo của tỉnh Bắc Ninh. Chùa hiện lên vẻ đẹp mộc mạc, trang nghiêm.

Nằm ven dòng sông Đuống trù phú quanh co uốn lượn, với những bãi ngô, bãi đậu xanh mướt trải rộng,chùa Bút Tháp có tên chữ là Ninh Phúc tự, thuộc địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây được xem là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn giữ được khá nguyên vẹn và hoàn chỉnh lối kiến trúc sơ khai ban đầu, là địa chỉ hành hương của phật tử bốn phương.

Chùa được xây dựng vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê, theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Là một ngôi chùa được tu tạo vào thời nở rộ của những kiến trúc "trăm gian", chùa Bút Tháp có quy mô bề thế so với những ngôi chùa cùng thời. Toàn bộ kiến trúc chính của chùa quay theo hướng Nam mà theo đạo Phật, đây là hướng của trí tuệ, của bát nhã, nằm trên một trục dài hơn 100m, kiến trúc của chùa được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm, nhưng lại rất tự nhiên ở khu vực xung quanh. Khu trung tâm bao gồm 8 nếp nhà đều nằm ngang, chạy song hành được bố trí trên một trục dọc kiểu mô hình đường thần đạo. Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đó là gác chuông hai tầng tám mái, kế đó là tòa Tiền Đường, Thiêu Hương, nhà Thượng Điện, Cầu Đá, toà Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, nhà Hậu Đường và kết thúc là hàng tháp đá sau nhà Hậu Đường, trong đó có tháp đá Tôn Đức 5 tầng, cao 11m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Bên trái chùa có nhà thờ tổ Chiết Tuyết và ngôi tháp đá Báo Nghiêm tám mặt, 5 tầng cao 13m là nơi táng xá lị của thiền sư Chiết Tuyết. Hai bên dọc theo toà Tiền đường là hai nhà bia và hai dãy hành lang chạy suốt chiều dài của chùa.

Mỗi một công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các hoạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch. Nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên.